Năm 2021, sản lượng và chất lượng vải đều tăng, cụ thể: sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó: Diện tích vải sớm 6.050 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 21.900 ha, sản lượng ước đạt 134.500 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap 15.200 ha, sản lượng ước đạt 125.000 tấn; vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.850 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219,45 ha, sản lượng ước đạt 1.860 tấn; thời gian thu hoạch vải sớm từ 20/5, vải muộn từ 10/6 đến 20/7/2021). Vải thiều được mùa, sản lượng lớn, chuẩn bị đến ngày thu hoạch, thời gian thu hoạch ngắn gây áp lực không nhỏ đến công tác tiêu thụ, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên khẩn trương tập trung thực hiện các nhiệm vụ chung:
- Về công tác phòng, chống dịch: Tập trung cao chỉ đạo công tác phòng chống dịch, sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Các huyện Tân Yên, Lục Ngạn rà soát, lập ngay danh sách, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm covid với toàn bộ công nhân trên địa bàn 2 huyện đi làm tại các Khu công nghiệp, xong trong ngày 13/5/2021; khi có vắc xin cần ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân vùng có vải.
- Tiếp tục liên hệ, bám sát các bộ ngành liên quan có văn bản gửi Bộ Ngoại Giao để tổng hợp xin ý kiến Thủ tướng cho phép thương nhân Trung Quốc vào Bắc Giang tiêu thụ vải thiều
- Tổ chức hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đổi mới nội dung, linh hoạt với các phương thức, phương pháp xúc tiến thương mại nhằm phù hợp với 2 điều kiện thực tế từng thời điểm, đem lại hiệu quả tốt nhất. Tranh thủ tối đa cấc kênh tiêu thụ thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
- Quan tâm làm tốt công tác truyền thông, chủ động tiếp cận và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
- Về tổ chức sản xuất: Khuyến khích các hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất triển khai đảm bảo thống nhất, bao bì đóng gói gắn với tem truy xuất nguồn gốc, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để luôn chủ động, ổn định lâu dài.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành:
Sở Nông nghiệp và PTNT
- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc đúng quy trình; khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, đúng thời điểm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi sản phẩm đến kỳ thu hoạch.
- Xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể về sản xuất vải thiều đảm bảo chất lượng và sạch bệnh phục vụ tốt các thị trường tiêu thụ; phối hợp với Sở Y tế hỗ trợ các địa phương trong việc kiểm soát chất lượng vải thiều trước khi xuất ra thị trường đảm bảo an toàn về chất lượng cũng như nguồn lây nhiễm dịch bệnh (theo hướng các lô vải xuất ra thị trường đều có thể truy xuất được nguồn gốc gắn với chứng minh không nhiễm Covid 19)
Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Tân Yên, huyện Lục Ngạn tham mưu xây dựng các kịch bản, phương án tiêu thụ vải thiều nếu dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, đẩy sớm kế hoạch tiêu thụ vải thiều.
-Chủ động tìm kiếm, tiếp cận và thiết lập các kênh phân phối và mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, toàn cầu thông qua các siêu thị, trung tâm thương mại, các sàn giao dịch điện tử...; tổ chức tốt công tác xúc tiến, quảng bá, chương trình kết nối cung cầu cho sản phẩm vải thiều.
- Chủ động liên hệ, tạo mối quan hệ tốt với Tham tán thương mại Trung Quốc để có sự ủng hộ, tạo điều kiện cho thương nhân sang thu mua vải thiều tại Bắc Giang.
- Tham mưu văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đề nghị hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021.
UBND huyện Tân Yên:
- Tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn vùng vải thiều trước dịch Covid 19, thiết lập chốt kiểm dịch tại lối ra vào nơi thu hoạch vải. Đẩy mạnh thông tin truyền thông về công tác phòng, chống dịch Covid19 để người dân nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, không lơ là, chủ quan, tích cực, tự giác tham gia phòng, chống dịch.
- Chuẩn bị tốt cho Lễ xuất hành chuyến vải sớm đi Nhật; Chủ động làm việc với các doanh nghiệp, thương nhân để có phương án đẩy nhanh kế hoạch tiêu thụ vải thiều sớm.
UBND huyện Lục Ngạn
- Sản lượng vải của huyện cơ bản thu hoạch từ giữa tháng 6, lường trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND huyện cần phối hợp chặt chẽ với sở Công thương xây dựng 2 phương án tiêu thụ vải thiều: Có dịch và không có dịch Covid-19, bảo đảm thuận lợi nhất cho nông dân, các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu và các hệ thống siêu thị tiêu thụ vải, trên các sàn giao dịch điện tử…
- Tập trung cao cho công tác phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn vùng vải thiều trước dịch Covid 19, thiết lập chốt kiểm dịch ra vào huyện, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Công an tỉnh lập phương án bảo vệ huyện đảm bảo không có dịch (trong thời gian thu hoạch và tiêu thụ vải thiều); chủ động tầm soát đối với các trường hợp là F1, F2 đưa ngay về khu cách ly tập trung của tỉnh. Lên danh sách các lái xe, nhà xe, nhà vườn, lực lượng tham gia thu hoạch, mua bán, vận chuyển vải thiều; tại các điểm cân, trung chuyển vải phải được cấp giấy chứng nhận đảm bảo phòng dịch.
- Thực hiện nghiêm phương án, kế hoạch tổ chức đón, bố trí địa điểm cách ly và quản lý tốt các thương nhân, doanh nghiệp nước ngoài đến thu mua tiêu thụ vải thiều tại huyện.
- Chỉ đạo các cơ sở sản xuất đá, thùng xốp chuẩn bị đầy đủ về số lượng đáp ứng nhu cầu đóng gói, thu mua vải thiều. Bên cạnh đó, phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tắc đường, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn.
- Rà soát nhân lực phục vụ công tác thu hoạch và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn; trước mắt chủ động đề nghị các lực lượng quân đội trên địa bàn hỗ trợ trên cơ sở kế hoạch hiệp đồng lực lượng về công tác phòng chống thiên tai; nếu gặp khó khăn, cần bổ sung lực lượng có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
- Thống kê các lò sấy trên địa bàn, xây dựng kịch bản xây dựng bổ sung các lò sấy trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng lò sấy (mới) phục vụ tiêu thụ vải thiều.
Sở Y tế:
Chủ động phối hợp với các địa phương có biện pháp tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với công nhân làm việc tại các Khu công nghiệp cư trú trên địa bàn huyện, các thương nhân, lái xe, lực lượng lao động tham gia thu hoạch, vận chuyển vải thiều; kiểm soát nguồn lây nhiễm dịch bệnh đối với sản phẩm vải thiều trước khi xuất ra thị trường… Ưu tiên vắc xin tiêm phòng và hóa chất khử trùng cho các huyện Tân Yên, Lục Ngạn để đảm bảo các điều kiện phục vụ tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
Công an tỉnh:
Có phương án điều tiết giao thông đảm bảo giao thông không bị ùn tắc tại các điểm nóng trên địa bàn, chỉ đạo lực lượng công an tích cực hỗ trợ các địa phương thu hoạch và tiêu thụ vải thiều; chủ động liên hệ với 4 công an các tỉnh tạo điều kiện thông thương đối với các xe vận chuyển, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn và qua cửa khẩu.
Trung tâm KC& XTTM – tổng hợp