Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BỨC XẠ TRONG XỬ LÝ KIỂM DỊCH TẠI TRUNG TÂM CHIẾU XẠ HÀ NỘI 

Việt Nam là đất nước có nhiều loại trái cây, nông sản phong phú đã được biết đến trên thế giới. Hiện nay, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều loại trái cây rất được ưa chuộng như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm … Về chất lượng và mùi vị trái cây trồng ở Việt Nam được nhiều nước đánh giá rất cao, với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với các loài cây ăn quả nhiệt đới. Tuy nhiên, trong quá trình giao thương, rất dễ có sinh vật ngoại lai xâm hại, nếu không được quản lý tốt sẽ trở thành mối nguy hiểm lớn đối với đa dạng sinh học, đối với sự phát triển bình thường của các hệ sinh thái, gây thiệt hại về kinh tế đối với nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BỨC XẠ TRONG XỬ LÝ KIỂM DỊCH TẠI TRUNG TÂM CHIẾU XẠ HÀ NỘI

Việc phát triển cây trồng ở vùng sản xuất được đăng ký và dưới sự giám sát của Tổ chức Bảo vệ thực vật quốc gia … đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành yêu cầu tất yếu trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Một số nước phát triển cũng đưa ra biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với  trái cây tươi nhập khẩu trong đó có yêu cầu bắt buộc phải xử lý chiếu xạ.

          Nhằm mục đích nâng cao vị thế mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu, xử lý chiếu xạ đã và đang từng bước được sử dụng như một biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật các đối tượng dịch hại kiểm dịch thực vật vì đây là biện pháp mang lại hiệu quả xử lý cao, ít gây ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã của mặt hàng xuất khẩu.

          Công nghệ chiếu xạ đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) xem như biện pháp hiệu quả trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh nguồn gốc thực phẩm. Xử lý chiếu xạ kiểm dịch đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả trong việc kiểm soát sự phát tán của các côn trùng, sâu bệnh hại giữa các vùng, miền lãnh thổ.

          Tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (CXHN) công tác nghiên cứu, triển khai các ứng dụng công nghệ bức xạ (công nghệ chiếu xạ) trong bảo quản nông sản, thực phẩm đã được tiến hành ngay từ khi thành lập. Trung tâm đã tiếp thu được công nghệ và triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học khẳng định ưu điểm của công nghệ bức xạ trong việc ức chế nảy mầm các loại cây thân củ, thân bẹ; làm chậm chín rau quả tươi; diệt côn trùng và nấm mốc trong bảo quản lương thực thực phẩm sau thu hoạch; tiêu diệt các loại ký sinh trùng, vi sinh vật gây bệnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như giảm nhiễm vi sinh vật nhằm kéo dài thời gian bảo quản. Các kết quả nghiên cứu cho phép mở rộng ứng dụng chiếu xạ không chỉ đối với thực phẩm mà còn áp dụng đối với nhiều loại sản phẩm phi thực phẩm khác như dược liệu, thuốc lá, vải sợi, hàng thủ công mỹ nghệ, chiếu xạ khử trùng y tế, bảo quản mô ghép và biến tính vật liệu.

          Thông qua các chương trình hợp tác với IAEA liên quan đến chiếu xạ thực phẩm, Trung tâm CXHN giúp khẳng định tính an toàn, hiệu quả của công nghệ bức xạ và đã phối hợp với Bộ Y tế cùng các cơ quan hữu quan thành lập Hội đồng tư vấn về thực phẩm chiếu xạ cung cấp các bằng chứng khoa học giúp Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3616/2004/QĐ-BYT ngày 14/10/2004 cho phép xử lý chiếu xạ đối với 7 nhóm thực phẩm với các dải liều xác định. Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến công nghệ chiếu xạ thực phẩm và xử lý chiếu xạ. Những thành công bước đầu của Trung tâm CXHN là tiền đề để ngành công nghiệp chiếu xạ Việt Nam phát triển với sự tham gia của nhiều công ty tư nhân.

          Trong lĩnh vực chiếu xạ kiểm dịch, các nghiên cứu ứng dụng công nghệ chiếu xạ kiểm dịch để kiểm soát sâu đầu cuống trên quả vải, ruồi đục quả trên trái thanh long và quả bưởi đã khẳng định tiềm năng, tính hiệu quả của xử lý chiếu xạ trong việc kiểm soát côn trùng gây hại, kéo dài thời gian bảo quản các loại trái cây. Kết quả nghiên cứu mở rộng tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai công nghệ bức xạ thành phố HCM đối với các loại trái cây đã được sử dụng để phía Mỹ cho phép quả thanh long chiếu xạ của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ từ năm 2008. Đến nay đã có khoảng 6 loại trái cây khác nhau gồm thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, xoài và vú sữa của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

          Cùng với nhu cầu đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường thế giới cũng như làm tăng thêm giá trị cho các loại trái cây đặc sản ở Miền Bắc, năm 2015 Trung tâm CXHN đã thực hiện dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở phục vụ chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu. Kết quả thực hiện đã giúp cho thiết bị chiếu xạ của Trung tâm đáp ứng các quy định của Úc và Mỹ đối với thiết bị chiếu xạ thực phẩm trong đó có chiếu xạ hoa quả tươi. Trung tâm đã hoàn thiện quy trình chiếu xạ trái cây và lập bản đồ phân bố liều trong sản phẩm đối với vải và xoài để ngày 20/6/2016, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc đã chính thức công nhận Trung tâm CXHN được phép xử lý chiếu xạ quả vải, xoài tươi xuất khẩu đi Úc. Trung tâm có thể xử lý kiểm dịch được trên 30 tấn trái cây tươi đã đóng gói mỗi ngày, tuy nhiên, do chi phí thực hiện đưa được trái cây tươi xuất khẩu còn cao nên trong 3 năm qua (2016,2017,2018) số lượng xử lý chiếu xạ được khoảng 30-40 tấn trái cây tươi. Trung tâm CXHN xác định việc chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu là một khâu trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao giá trị của trái cây tươi xuất khẩu do đó tích cực phấn đấu làm tốt khâu này để tạo thuận lợi cho các đơn vị xuất khẩu có nhu cầu kiểm dịch. Trong năm 2019, đối với quả vải, xoài xuất khẩu nói riêng và các loại trái cây tươi nói chung, các đơn vị xuất khẩu chỉ cần đăng ký trước 01 ngày để bộ phận chiếu xạ chuẩn bị, sau khi mang hàng đến, Trung tâm có kho lạnh bảo quản trước và sau chiếu xạ, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về thời gian cũng như chất lượng hàng chiếu xạ. Giá chiếu xạ trên 1kg trái cây tươi hiện nay ở Trung tâm vẫn là giá tốt nhất ủng hộ các đơn vị xuất khẩu trong khoảng 1/2 dola Mỹ.

          Song song với việc đẩy mạnh nghiên cứu chiếu xạ kiểm dịch đối với một số loại trái cây tươi khác giúp các đơn vị xuất khẩu mở rộng thị trường, Trung tâm cũng đang tiếp tục đàm phán với Cơ quan kiểm soát an toàn thực-động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (APHIS) để được phép xử lý chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu ở phía Bắc giúp làm giảm chi phí vận chuyển.

          Trong những năm tới, Bộ NN & PTNT định hướng sẽ phát triển 12 mặt hàng trái cây chủ lực bao gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó một số nước có yêu cầu kiểm dịch thực vật khắt khe xử lý chiếu xạ kiểm dịch đã được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khuyến cáo sử dụng để kiểm soát côn trùng, dịch bệnh trong sản phẩm nông nghiệp xuất nhập khẩu.

          Phương pháp xử lý sản phẩm bằng chiếu xạ đã được nhiều quốc gia công nhận có nhiều ưu điểm trong đó đặc biệt đây là phương pháp xử lý thân thiện không để lại dư lượng độc hại trong sản phẩm. Với việc ngày càng nhiều quốc gia chấp nhận thực phẩm chiếu xạ và xem đây là biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với hoa quả tươi nhập khẩu cùng với số loại trái cây tươi được phép xuất khẩu ngày càng tăng thì triển vọng ứng dụng của công nghệ thân thiện này là rất lớn. Chúng tôi tin rằng, công nghệ này sẽ ngày càng được mở rộng và đóng góp tích cực hơn cho mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

                                                                                                                                                              Theo tài liệu của trung tâm chiếu xạ Hà Nội

798 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21861554
Lượt truy cập