Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận lớn 

Quá trình sản xuất, nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn năng động, sáng tạo áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) cho ra đời sản phẩm có chất lượng vượt trội, mang lại lợi nhuận cao.

Bấm nút tưới cây

Nhiều năm qua, gia đình ông Thân Văn Thành, thôn Đụn 2, xã An Dương (Tân Yên) là hộ kinh doanh giỏi điển hình của huyện về phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, thu nhập hơn một tỷ đồng mỗi năm. Thời điểm này, vườn cây có múi rộng 5 ha của ông đang cho quả trĩu cành, ước thu 50 tấn cam và gần 2 vạn quả bưởi. Đặc biệt, xung quanh nhiều gốc cây được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, có van điều tiết áp lực nước. 

Ông Thành nói: “Gia đình tôi nuôi khoảng 3 nghìn con lợn mỗi lứa nên đầu tư hầm xử lý chất thải cũng phải có quy mô phù hợp. Cuối năm 2017, được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, tôi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt hút nước từ bể chứa đã qua xử lý tưới cho 0,5 ha cây trồng”. Qua quá trình sử dụng, ông thấy cách làm này rất hiệu quả nên sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ vườn cây ăn quả.

Ông Thành tính toán, muốn tưới hết vườn quả của gia đình phải cần 3 người trong 3 ngày mới xong. Thế nhưng với hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt thì chỉ cần bấm công tắc, trong một ngày là hoàn tất. Hơn nữa, tận dụng tưới bằng nước khi đi qua hầm biogas đã giúp ông giảm lượng phân bón vô cơ, mỗi ha cây ăn quả tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng. Dự kiến, sau khi trừ chi phí ông Thành thu về hơn hai tỷ đồng từ cây ăn quả và chăn nuôi trong năm nay.

Tương tự, ông Bùi Đức Long, thôn Hăng, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) là người đi đầu tại địa phương áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả với diện tích 1,5 ha. Trước đây, mỗi năm gia đình ông tốn khoảng 60 triệu đồng thuê nhân công tưới nước, bón phân cho cây. Vào năm mưa ít, hạn hán, chi phí này còn cao hơn và có thời điểm không thuê được người. Có hệ thống mới, chỉ sau 2 giờ toàn bộ khu vườn có đủ nước, phân bón ngay cả những cây ở góc vườn, giảm từ 2 - 5 ngày so với làm thủ công.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn, công nghệ tưới nhỏ giọt còn tiết kiệm phân bón, nước tưới từ 30 - 40%, cung cấp đủ nhu cầu của từng cây, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, giảm sâu bệnh. Từ đó, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra nông sản chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Liên kết sản xuất

Từ những ưu điểm của công nghệ tưới nhỏ giọt, nông dân ngày càng nhân rộng mô hình. Đơn cử như anh Vương Tùng Lâm, thôn Lửa Hồng, xã Tự Lạn (Việt Yên) đã thiết kế, lắp ghép thành công hệ thống tưới phun nước tự động cho cây ăn quả. Hầu hết các mô hình nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đều có hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương. Trong đó, nhiều nông dân đã có lợi nhuận lớn từ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Gia đình anh Ngô Văn Chức, thôn Gẵn, xã Đông Phú (Lục Nam) là một ví dụ.

 

Từ năm 2017 đến nay, cơ quan chuyên môn nghiệm thu 26/44 mô hình nông nghiệp CNC. Các mô hình hầu hết do nông dân làm chủ, có thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng, thậm chí hơn một tỷ đồng/ha/năm.

 

Đầu năm 2017, gia đình anh mạnh dạn bỏ ra hơn 700 triệu đồng xây nhà màng kiên cố cùng hệ thống tưới hiện đại trên diện tích hơn 2 nghìn m2. Anh trồng dưa, bí và một số rau màu khác. 6 tháng đầu năm, trừ chi phí anh thu về gần 200 triệu đồng. Hiện anh vừa xuống giống trồng dưa leo của Israel và một số giống chất lượng cao khác. Hay mô hình trồng nấm trong nhà lạnh của hộ bà Bùi Thị Đài, thôn Bảo An, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi vụ.

Được biết, thực hiện Nghị quyết 46 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2017-2020, từ năm 2017 đến nay, cơ quan chuyên môn nghiệm thu 26/44 mô hình nông nghiệp CNC. Các mô hình đều đạt và vượt tiêu chí thu nhập, bình quân hơn 300 triệu đồng, thậm chí hơn một tỷ đồng/ha/năm. Từ nay đến cuối năm, các huyện, TP tiếp tục triển khai những mô hình còn lại theo kế hoạch đề ra. 

Bên cạnh đó, nhiều nông dân trong tỉnh đã sáng tạo, năng động tự mày mò, đầu tư áp dụng CNC vào sản xuất như: Trồng trọt hữu cơ; chăn nuôi khép kín; sử dụng giống nuôi cấy mô tế bào trong lâm nghiệp; nuôi thủy sản bằng phương pháp tạo sông trong ao... Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, sản phẩm từ mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đều có chất lượng tốt, độ đồng đều cao hơn so với sản xuất thông thường.

Đạt được kết quả trên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp thì vai trò trung tâm của nông dân luôn được phát huy. Trước khi sản xuất, nông dân đều quan tâm đến đầu ra của sản phẩm để bố trí cây trồng phù hợp. Các cấp hội nông dân cũng xây dựng, khuyến khích triển khai nhiều mô hình hay. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, để các mô hình CNC phát triển bền vững, mấu chốt vẫn là khâu tổ chức sản xuất, trong đó người dân cần quan tâm liên kết để có đầu ra ổn định, phải sản xuất, cung cấp thứ mà thị trường cần; tuân thủ quy trình kỹ thuật, tạo ra sản phẩm uy tín, chất lượng.

988 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23122443
Lượt truy cập