Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành Công thương năm 2021 

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm kết thúc nhiệm kỳ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là năm có nhiều khó khăn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như trên toàn quốc và thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành Công thương năm 2021

Dự tính giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế):

Phân theo loại hình kinh tế: 6 tháng đầu năm ước đạt 116.298 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, bằng 42,27% so với kế hoạch, ước cả năm đạt 100% kế hoạch. Trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 3.922 tỷ đồng; tăng 9,7% so với cùng kỳ; Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, ước đạt 12.917 tỷ đồng; giảm 1,4% so với cùng kỳ; Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 99.459 tỷ đồng; tăng 11,9% so với cùng kỳ. 

Phân theo ngành công nghiệp: Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành công nghiệp khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1.162 tỷ đồng, tăng 0,2% so cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến ước đạt 113.549 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước, ước đạt 1.328 tỷ đồng, tăng 21,7% so cùng kỳ; ngành công nghiệp khai thác cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải, ước đạt 260 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến 30/6/2020, Bắc Giang đã thành lập 40 CCN với tổng diện tích 1.384ha, diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch chi tiết 952,9 ha, diện tích đã cho thuê 487,3 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 51,1%; đã thu hút được 186 dự án với số vốn đăng ký hơn 32.765 tỷ đồng (riêng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - CCN Vũ Xá là 22.000 tỷ đồng), 176 dự án đã đi vào hoạt động, 10 dự án đang triển khai; thu hút được hơn 45.000 lao động.

Trong 40 CCN, có: 17 CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư hiện cơ bản đã lấp đầy, hạ tầng cần hoàn thiện là giao thông nội bộ và hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc đầu tư là rất khó khăn vì không có nguồn vốn từ ngân sách; còn 23 CCN do các chủ đầu tư hạ tầng CCN là doanh nghiệp đang tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng.

Về giá cả thị trường trong những tháng đầu năm tương đối ổn định, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu đáp ứng nhu cầu người dân, không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá. Trong thời điểm chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu đã chủ động tăng lượng dự trữ so với ngày thường, nhất là các mặt hàng như lương thực, thực phẩm để phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ của người dân. Qua theo dõi, khảo sát tình hình cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh từ khi công bố dịch không có nhiều biến động, nguồn cung cấp đảm bảo nhu cầu người dân, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Bên cạnh đó, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới, doanh thu bán hàng sụt giảm, cụ thể: doanh thu tại các siêu thị giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu tại các cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng giảm, tuy nhiên mức giảm không lớn do đây vẫn là loại hình thương mại khá phổ biến, tiện lợi và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Doanh thu bán lẻ các nhóm hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 đều giảm, trong đó: xăng dầu là nhóm hàng có doanh thu giảm mạnh nhất (giảm 23,93%); tiếp theo là nhóm hàng nhiên liệu khác (giảm 22,77%) do tác động của tình hình dịch bệnh và tình hình xuất nhập khẩu tạm thời bị gián đoạn... do người dân hạn chế đi lại và tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí, du lịch. Nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm là nhóm có mức giảm thấp nhất (giảm 0,40%) vì nguồn cung nhóm mặt hàng này do trong nước sản xuất được, không phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Trong thời gian cách ly xã hội, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hoạt động thương mại dịch vụ là lượng khách hàng và doanh thu sụt giảm do người dân chủ động giảm các hoạt động đi lại, ăn uống, hạn chế đến những nơi tập trung đông người (lễ hội, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, nơi công cộng…). Từ đầu tháng 5 đến nay, việc cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại tương đối bình thường đã thúc đẩy hoạt động mua sắm, tiêu dùng của người dân; giúp doanh thu bán lẻ dần dần hồi phục.

Các doanh nghiệp trong tỉnh đang chịu áp lực từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ tại các nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc là quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu chínhvà là thị trường xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đã sản xuất đủ đơn hàng để giao cho đối tác nhưng lại không thể xuất khẩu do ở các quốc gia đối tác cũng chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh họ đặt ra nhiều biện pháp nhằm siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu nên việc thông quan và vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn.

    Sở Công Thương đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ thi công của các dự án. Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đang thực hiện các bước thiết kế chuẩn bị đầu tư, dự kiến thi công vào quý IV năm 2020.

          Năm 2020, tỉnh Bắc Giang được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt hỗ trợ thực hiện cho 2 đề án khuyến công quốc gia; Nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến công tỉnh năm 2020 hỗ trợ thực hiện cho 24 đề án.

Năm 2020 tập trung thực hiện 04 nhóm đề án tiết kiệm năng lượng. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm thực hiện các nhóm đề án như:

- Thông tin, tuyên truyền: Phối hợp với Báo Bắc Giang, Tạp chí Công Thương tổ chức tuyên truyền về công tác tiết kiệm năng lượng;

- Nâng cao hiệu quả và năng lực về công tác tiết kiệm năng lượng đối với công trình xây dựng mô hình đèn chiếu sáng học đường tại 06 trường tiểu học và Trung học cơ sở, tại các huyện Lục Ngạn và Lục Nam;

- Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái cấp điện cho tòa nhà làm việc của Sở Công Thương Bắc Giang đang triển khai thực hiện;

- Đối với Đề án xây dựng và lắp đặt đèn chiếu sáng ngoài trời sử dụng năng lượng mặt trời trong khuôn viên Tòa nhà liên cơ quan các đơn vị sự nghiệp của các sở, ngành. Do kinh phí tiết kiệm 10% của 8 tháng cuối năm nên không đủ kinh phí thực hiện, đang xây dựng kế hoạch dừng đề án, chuyển kinh phí sang mục khác. Dự kiến đến tháng 11/2020 hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải thiều, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải tương ứng với các mức độ kiểm soát dịch bệnh; tiến hành tổng hợp thời gian, sản lượng thu hoạch cho từng trà vải để phân bổ cho từng phân khúc thị trường tương ứng gắn với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh Covid 19; xây dựng 03 phương án cụ thể để chủ động triển khai, sẵn sàng kích hoạt cả 03 kịch bản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất vải thiều tiêu thụ được sản phẩm, với phương châm đồng hành cùng nông dân trong sản xuất tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản khác của tỉnh.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đã có Văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hơn 300 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam để đến Bắc Giang khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều; đề nghị cho phép các chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được nhập cảnh để thực hiện công tác giám sát quy trình xử lý vải thiều, đảm bảo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc cách ly, theo dõi sức khỏe, kiểm tra y tế theo quy định của công tác phòng chống dịch Covid-19 và các điều kiện an ninh, trật tự khác. Vụ vải năm 2020 với tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh là 164,7 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu là 78,230 nghìn tấn. Giá bán bình quân đạt 31.200/kg, giá trị từ vải thiều năm 2020 đạt khoảng 5.140 tỷ và kèm theo giá trị từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt 1.690 tỷ.

Dự báo tình hình năm 2021

Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là năm đầu tiên của giai đoạn phát triển 2021-2025, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX. Chính vì vậy các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ là yếu tố quan trọng để các ngành, các cấp chính quyền phấn đấu và tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả ngay từ bước đầu.

Đối với ngành Công Thương, việc hỗ trợ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm trụ cột động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác. Tham mưu UBND tỉnh thành lập mới ít nhất 03 cụm công nghiệp, bổ sung thêm tối thiểu 180 ha đất CCN đã hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp  .

Bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy, phát triển thương mại, dịch vụ phát triển, tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại ngày càng hiệu quả cao hơn đối với các sản  phẩm, hàng hóa nông sản đặc trưng của tỉnh, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giai đoạn 2021-2025.

Một số chỉ tiêu chủ yếu ngành Công thương năm 2021

 Nhiệm vụ chính, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2020

Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương và UBND tỉnh theo quy định; tham mưu các chương trình bình ổn thị giá cả thị trường, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, tết nguyên đán…

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh, giai đoạn 2019-2021; hỗ trợ theo Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND thực hiện Quyết định số 968/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020; làm tốt công tác xây dựng hệ thống thông tin thị trường.

Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2020 theo Kế hoạch số 32/KH-SCT ngày 17/4/2020 của Sở Công Thương; Thực hiện tốt việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường hỗ trợ việc xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, các dự án gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp cận đất đai; chỉ đạo và hỗ trợ đối với các trạm xử lý nước thải tập trung tại các CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, phổ biến kiến thức pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, đào tạo nghề thuộc các đề án khuyến công quốc gia, địa phương và các đề án được phê duyệt, kiến thức pháp luật về an toàn điện và giá điện, an toàn điện cho người lao động, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm...

Nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát, hậu kiểm công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Phối hợp tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại. Kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm.

Bám sát việc đề nghị bổ sung các công trình điện vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035.

Tiếp tục tổ chức thực hiện và hoàn thành các đề án khuyến công quốc gia năm 2020; các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2021 trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

Nguồn Công Thương - Trung Tâm KC&XTTM

331 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21893244
Lượt truy cập