Đầu tư thiết bị xét nghiệm nhanh Covid-19
Một trong những điểm mấu chốt được các địa phương xác định là loại bỏ những yếu tố nguy cơ liên quan đến dịch Covid-19 ra khỏi vùng sản xuất vải tập trung. Đó là, những đối tượng F1 đều được cách ly tập trung, tại vùng vải không có khu cách ly; lập các chốt kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa bàn để sớm khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh; xét nghiệm nhanh các đối tượng như: Lái xe, lao động, thương nhân đến thu mua vải thiều.
|
Các thành viên chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 1 trên quốc lộ 31, thôn Ải, xã Phượng Sơn thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Thế Đại
|
Tìm hiểu tại huyện Tân Yên, địa phương có trà vải sớm là chủ yếu được biết, huyện đã sớm xây dựng kế hoạch ứng phó. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, 21 giờ ngày 13/5, huyện Tân Yên đã triệu tập cuộc họp khẩn triển khai phương án xây dựng vùng vải an toàn dịch bệnh. Theo đó, xác định bảo vệ các vùng sản xuất vải tập trung tại các xã: Phúc Hòa, Liên Sơn, Hợp Đức, thị trấn Cao Thượng.
Hiện nay, huyện đã lập 7 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tập trung tại các tuyến đường liên xã nối với Phúc Hòa, gồm: Phúc Hòa đi thị trấn Cao Thượng và các xã: Tân Trung, Hợp Đức (3 chốt), Tân Sỏi và Liên Sơn. Các chốt có lực lượng trực 24/24 giờ phun khử khuẩn phương tiện vào vùng vải; khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt người qua lại.
Năm nay, Bắc Giang có hơn 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trà vải sớm sản lượng ước đạt 45,5 nghìn tấn, dự kiến thu hoạch từ ngày 15/5 - 10/6. Trà vải chính vụ sản lượng ước đạt 134,5 nghìn tấn, dự kiến thu hoạch từ ngày 10/6 - 20/7.
|
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: “Huyện đã trích ngân sách mua khoảng 3 nghìn bộ kít thử nhanh xét nghiệm dịch Covid-19. Số lượng này sẽ dành cho các lái xe, lao động, thương nhân đến thu mua vải thiều. Các lô vải từ Tân Yên xuất đi sẽ đủ các thủ tục chứng minh an toàn dịch Covid-19 như: Kết quả xét nghiệm của lái xe, lô vải thu mua từ vùng không có dịch, chủ vườn, người đóng gói đều an toàn với dịch Covid-19…”.
Cùng với chuẩn bị các điều kiện trên, hiện nay, huyện đang tập trung lập danh sách và kiểm tra y tế đối với tất cả các chủ mã số vùng trồng vải, bảo đảm chủ vườn cũng như cơ sở đóng gói, sơ chế quả vải, nhân công thu hái, đóng gói, vận chuyển phải an toàn dịch Covid-19. Đồng hành cùng với chính quyền địa phương, những người trồng vải cũng nhận thức sâu sắc được phương châm chống dịch, chủ động thực hiện “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bà Hoàng Thị Hà, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa chia sẻ: “Phòng, chống dịch trước hết là bảo vệ bản thân và gia đình mình. Nếu có dịch xảy ra thì vải của chúng tôi không bán được, thiệt hại thuộc về mình nên chúng tôi tuân thủ quy định, khuyến cáo của huyện, xã”.
Lập chốt, kiểm soát chặt chẽ người đến vùng vải
Cùng với Tân Yên, Lục Ngạn - huyện trọng điểm với hơn 100 nghìn tấn vải trong vụ này cũng đã lập 7 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. UBND huyện giao cho Ban CHQS huyện Lục Ngạn chủ trì thực hiện. Mỗi chốt có từ 7-8 người (tùy thuộc vào mật độ phương tiện qua lại trên tuyến đường đó).
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi kiểm tra chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại xã Nam Dương. Ảnh: Thế Đại
|
Ghi nhận của phóng viên sáng 16/5 ở chốt số 1 trên quốc lộ 31, thôn Ải, xã Phượng Sơn, tiếp giáp với huyện Lục Nam, cho thấy tại đây, hàng loạt xe ô tô, xe máy buộc phải dừng lại để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, đeo khẩu trang, kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện phòng, chống dịch. Nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh chở hàng vào Lục Ngạn đều được phun thuốc khử trùng. Mặc dù bị chậm so với hành trình nhưng các lái xe, chủ phương tiện, người đi xe đều vui vẻ thực hiện.
Thiếu tá Mai Gia Thái, Trợ lý Ban CHQS huyện Lục Ngạn, Trưởng chốt cho biết, chốt số 1 nằm trên tuyến giao thông huyết mạch dẫn tới Lục Ngạn nên chỉ tính trong ngày có hơn 700 xe tải (chưa kể xe con), xe máy vào Lục Ngạn. Chốt có 8 thành viên, tất cả cùng trực ban ngày, buổi tối chia làm 2 ca mới cơ bản xử lý hết công việc.
Nhiều trường hợp khi đo thân nhiệt trên 37,5 độ C đều được nhân viên của chốt ghi số điện thoại, địa chỉ, báo lên cấp trên để xử lý hoặc buộc cá nhân đó quay trở lại. Tất cả người tỉnh ngoài đến đều được ghi chép thông tin trong sổ nhật ký. “Mặc dù công việc nhiều, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”, Thiếu tá Mai Gia Thái khẳng định.
|
Vùng vải xuất khẩu tại xã Phúc Hòa (Tân Yên). Ảnh: Trịnh Lan
|
Ngoài các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến giao thông huyết mạch dẫn vào địa bàn Lục Ngạn, tại các xã, thôn có F0 và gia đình bị cách ly đều có chốt chặn phòng, chống dịch. Dù trời nắng, nóng nhưng mọi người vẫn trực nghiêm túc, không lơ là, chủ quan.
|
Phun khử khuẩn phương tiện khi qua chốt kiểm dịch tại vùng vải xã Phúc Hòa (Tân Yên). Ảnh: Trịnh Lan
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết, dù cơ sở vật chất ở tất cả các chốt còn thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu các lực lượng phối hợp trực 24/24 giờ. Bảo đảm tất cả người, xe ra, vào địa bàn Lục Ngạn đều được kiểm soát, khai báo y tế, ngăn chặn nguồn lây. Cùng đó, BCĐ phòng, chống dịch huyện chỉ đạo Công an huyện phối hợp với chính quyền các xã thần tốc truy vết các trường hợp từ F0-F3 để Lục Ngạn trở thành vùng an toàn, tạo điều kiện tốt nhất cho các thương nhân đến thu mua, tiêu thụ vải thiều.
Với cách làm sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các địa phương, người dân, Bắc Giang sẽ có những chuyến vải thiều ngọt lành, an toàn dịch bệnh đi muôn nơi.
Nguôn baobacgiang.com.vn