Khai mạc Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ Vải sớm Phúc Hòa, huyện Tân Yên.
Năm 2024, Bắc Giang đặt ra một số mục tiêu quan trọng về kinh tế là giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) năm 2024 sẽ đạt khoảng 665,76 nghìn tỷ đồng, tăng 23%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 64 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD, tăng 20,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2023.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang: Kết quả đạt được trong quý I năm 2024, Bắc Giang tiếp tục là một trong những tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng đứng đầu cả nước với (GRDP) ước đạt 14,18%, vượt kịch bản dự tính (kịch bản dự tính quý I/2024 là 11,79%). Ước tăng trường quý II của Bắc Giang đạt 14,31%, đưa tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 14,4%, đứng đầu cả nước.
Những năm qua, để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, liên kết tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang quan tâm, chú trọng ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể như: Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018, Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020, Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2030; đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”...
Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh đã triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 332 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, 210 mô hình thủy sản, 24 mô hình lâm nghiệp. Các mô hình này đều có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh, giai đoạn 2019-2021 với tổng kinh phí thực hiện gần 11,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các doanh nghiệp và hợp tác xã. Việc triển khai đề án đã giúp hình thành các vùng canh tác quy mô lớn; hàng hoá nông sản dễ dàng kết nối với sản phẩm cùng loại của các địa phương trên cả nước. Nhờ đó, nhiều nông sản của Bắc Giang đã thuận lợi tiêu thụ ở cả thị trường trong và ngoài nước: mỳ Chũ đã xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia, vải thiều Lục Ngạn đã hình thành vùng canh tác riêng biệt xuất khẩu đi từng thị trường và đang được bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 329 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại đạt 3 sao trở lên.
Để thúc đẩy xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản chủ lực, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh thực hiện các hoạt động thông tin và truyền thông về sản phẩm nông sản chủ lực ở trong và ngoài địa phương. Vận dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với sự đa dạng về ngôn ngữ, như: tiếng Anh, Trung, Hàn, bên cạnh tiếng Việt. Xây dựng và phát sóng hàng tháng Tạp chí “Xúc tiến thương mại” trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang. Xây dựng Website Công thương Bắc Giang và Sàn giao dịch thương mại điện tử trực tuyến (san24h.vn) nhằm thường xuyên cập nhật thông tin hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh lên trang webite để người tiêu dùng tiếp cận nhanh chóng với sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích và kỹ năng xúc tiến thương mại trong sản xuất kinh doanh. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi xuất khẩu xanh, huy động nguồn lực vì thương mại xanh.
Các nội dung xúc tiến thương mại năm 2024 được tỉnh Bắc Giang triển khai mạnh mẽ, bao gồm tổ chức các sự kiện, hội nghị và các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Trong đó, tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến với tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm chủ lực đặc trưng của tỉnh vào thị trường Trung Quốc; Hội nghị kết nối cung cầu vải thiều và các sản phẩm chủ lực đặc trưng của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm và du lịch mùa vải thiều Tân Yên; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và du lịch mùa vải thiều huyện Lục Ngạn; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng tại huyện Lục Ngạn; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm nông, lâm nghiệp - TTCN tại huyện Yên Thế.
Bên cạnh đó, tổ chức đón các đoàn công tác của tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) vào khảo sát thị trường, giao dịch với doanh nghiệp trong tỉnh nhằm trao đổi cơ hội về đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu vải thiều và nông sản chủ lực của tỉnh. Tổ chức mua vải thiều và các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh để trưng bày, quảng bá tại các hội nghị, hội thảo trong nước và nước ngoài. Tổ chức một số điểm giới thiệu, quảng bá đặc sản, sản phẩm OCOP và các sản phẩm thế mạnh của tỉnh tại thành phố Nam Ninh nhân dịp đoàn lãnh đạo cấp cao của tỉnh thăm thành phố Nam Ninh hoặc nhân các sự kiện chính trị, văn hóa tại thành phố Nam Ninh. Tham dự Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng do Bộ Công Thương tổ chức. Cùng với đó, tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở trong nước và nước ngoài. Tham dự Hội chợ thương mại Quốc tế Trung - Việt 2024 tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tham gia tổ chức gian hàng của tỉnh Bắc Giang tại Hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2024). Hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp, HTX của tỉnh tham gia hội chợ triển lãm do các bộ, ngành, địa phương trong nước tổ chức trong năm 2024.
Các sản phẩm trưng bày tại hội chợ, triển lãm gồm các sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương như: Vải thiều sấy khô của huyện Lục Ngạn, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế, rượu Vân, sâm nam Núi Dành Tân Yên, trà hoa vàng dược liệu Trường Sơn...; có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; một số sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường khó tính như: Sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu (XNK) VIFOCO xuất sang thị trường Hàn Quốc; các sản phẩm của Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu sang thị trường EU; các sản phẩm giấm của Công ty TNHH thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc, Cộng hòa Séc...; các sản phẩm mỳ Chũ của HTX sản xuất kinh doanh và tiêu thụ mỳ gạo chũ Hiền Phước xuất sang thị trường Nga, Đài Loan… Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đây chính là động lực để cổ vũ, thúc đẩy các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP khác của tỉnh tiếp tục vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế.
Cùng với việc đồng hành đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Bắc Giang đã tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, các chợ đầu mối nông sản; chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, các đại sứ, tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam ở các nước để tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường; phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh biên giới tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu; tăng cường mời gọi các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất quan tâm đổi mới đa dạng hóa mẫu mã, bao bì, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng tham gia tiêu thụ trong chuỗi cung ứng trong và ngoài nước nhằm tiếp tục triển khai Quyết định 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm và đẩy mạnh phát triển kinh tế phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược Xuất Nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh với phương châm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"; tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn từ đó góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản theo hướng sinh thái, bền vững, áp dụng công nghệ cao.
Đi đôi với giải pháp trên là tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của tỉnh; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử; xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái… để không chỉ giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh mà quảng bá tại chỗ, lan tỏa giá trị, chất lượng nông sản của tỉnh tới cộng đồng, du khách trong và ngoài nước; huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Để nông sản của tỉnh có thể vươn xa hơn, cần sự vào cuộc của các cơ quan thương mại, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tăng cường thông tin, quảng bá và kết nối thương mại cho các sản phẩm OCOP, bởi đó không chỉ là câu chuyện về kinh tế, nó còn là sự quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị và sẵn sàng về hành trang để hội nhập, ngoài những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, năng lực và sự chủ động thương mại, các yêu cầu để tham gia vào chuỗi phân phối (xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, năng lực logistic, ...), cần linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng và thiết kế sản phẩm, đó là câu chuyện về bao bì, cách đóng gói phù hợp với từng đối tượng khách hàng và yêu cầu của thị trường. Họ cần thay đổi tư duy, thói quen thương mại, đó là uy tín, là trách nhiệm đối với đối tác và người tiêu dùng.
Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, đặc sản sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tạo đầu ra bền vững cho nông sản, đặc sản địa phương.
Nguyễn Châm – phòng XTTM