Trước đó ngày 17/10/2016, ADC đã ban hành kết luận sơ bộ khẳng định có bán phá giá trong cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp nhôm ép (mã HS: 7604.10.00, 7604.21.00, 7604.29.00, 7608.10.00, 7608.20.00, 7610.10.00, và 7610.90.00) nhập khẩu từ Malaysia và Việt Nam.
Tuy nhiên đến ngày 22/3/2017, ADC đưa ra thông báo thay đổi biên độ phá giá. Cụ thể đối với Việt Nam, biên độ phá giá sơ bộ đối với các bị đơn hợp tác trong quá trình điều tra là từ 6.9% đến 17.5%, so với mức trước đây là từ 8.5% đến 13.9%. Biên độ phá giá cho các bị đơn không hợp tác là 34.9%, tăng nhẹ so với kết quả trước đây là 34.2%.
Đối với Malaysia, các bị đơn hợp tác trong quá trình điều tra đều nhận biên độ phá giá là 0%, giảm mạnh so với kết quả trước đây là từ -4.3% đến 13.2%. Biên độ phá giá cho các bị đơn không hợp tác cũng giảm còn 12.4% so với mức trước đây là 14.5%.
Mức thuế tạm nộp nêu trên có hiệu lực từ ngày 23/3/2017 nhằm đảm bảo ngăn chặn thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước của Úc trong khi vụ việc điều tra đang được tiến hành cho đến khi ADC ban hành kết luận cuối cùng. Mức thuế tạm nộp được thu dưới hình thức kết hợp giữa thuế suất cố định và thuế thay đổi (combination of fixed and variable duty method), trong đó thuế suất cố định là mức % đã nêu ở trên và thuế thay đổi là phần thuế chênh lệch thu thêm nếu giá xuất khẩu thực tế của giao dịch thấp hơn giá xuất khẩu xác định để tính biên độ phá giá.
Cũng theo Thông báo trên, ADC vẫn chưa đưa ra kết luận sơ bộ về điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm này do chưa có đủ cơ sở.
ADC cho biết sẽ tiếp tục gia hạn thời gian công bố Dữ kiện trọng yếu (SEF) cho cuộc điều tra này tới ngày 9/4/2017. Theo đó, báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra dự kiến sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc trước hoặc vào ngày 24/5/2017 để ra quyết định cuối cùng./.