Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

QUY ĐỊNH, THỦ TỤC NHẬP KHẨU, RÀO CẢN THƯƠNG MẠI, KỸ THUẬT CỦA TRUNG QUỐC 

Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú
QUY ĐỊNH, THỦ TỤC NHẬP KHẨU, RÀO CẢN THƯƠNG MẠI, KỸ THUẬT CỦA TRUNG QUỐC

1. Rào cản kỹ thuật của Trung Quốc và khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam

Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam. Trung Quốc đang là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 12 về cà phê..., đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng như nêu trên, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp phải các khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động như sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 của nước này không khởi sắc; tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu, đồng NDT giảm giá; tác động từ các chính sách mới và thực thi chính sách từ năm 2018 của các cơ quan quản lý Trung Quốc, tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm nhập khẩu; chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, thu hẹp diện mặt hàng trao đổi cư dân biên giới; tăng cường cường công tác thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Rào cản từ những chính sách, quy định mới của Trung Quốc:

Với nhiều mặt hàng nông sản, chiếm 40-70% tổng thị trường xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc trong năm ngoái nhưng đến năm nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn với thị trường này. Tính trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc ước tính giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

+ Từ tháng 5/2018, Trung Quốc bắt đầu siết chặt yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc, quy định dán nhãn truy xuất nguồn gốc đối với các hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc gây nhiều khó khăn, ứ đọng trong việc thông quan. Để điều chỉnh thêm các vấn đề liên quan đến việc quản lý truy xuất nguồn gốc mặt hàng trái cây nhập khẩu, từ ngày 1/4/2018 doanh nghiệp nhập khẩu phải báo cáo cho cửa khẩu nhập cảnh các tài liệu quản lý truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm nhập khẩu. Từ 1/5/2018 trái cây nhập khẩu phải được kiểm tra thực tế, trái cây nào không có thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng trên bao bì sẽ được xem là sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, sẽ được trả lại hoặc tiêu hủy theo quy định.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam theo lộ trình là mít và dưa hấu, sau đó là sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài, chôm chôm, chuối, vải và năm 2020 là thủy sản.

Năm 2019, Trung Quốc cho phép 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch: Dưa hấu, mít, vải, nhãn, thanh long, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt. Từ tháng 01/2019, mặt hàng dưa hấu bắt buộc phải có Truy xuất nguồn gốc. Tháng 03/2019, đến lượt mặt hàng mít là loại trái cây thứ 2 bắt buộc phải có Truy xuất nguồn gốc. Các loại hoa quả Trung Quốc đã yêu cầu sẽ được áp dụng thực hiện theo lộ trình: thanh long, chôm chôm, xoài (tháng 8-9), sầu riêng (tháng 11-12).

+ Một số hàng hoá đã có thông lệ thông quan và có sản lượng xuất khẩu lớn vào thị trường Trung Quốc như ngao hai cùi, hàu, rươi, sứa..., nhưng hiện không nằm trong danh mục 137 loại hàng thủy sản Việt Nam được cho phép xuất khẩu vào Trung Quốc qua lối mở, cặp chợ. 

Hơn nữa, phương thức bảo quản hàng hoá xuất khẩu trước đây được thực hiện gồm: tươi sống, ướp đá, cấp đông. Tuy nhiên, hiện nay một số hàng hoá chỉ được thực hiện một trong những phương thức đó. Tất cả các sản phẩm cá nuôi hoặc đánh bắt từ biển (từ hải sản ướp đá), đều phải lấy từ các công xưởng có đăng ký doanh nghiệp Việt Nam, khi khai báo hải quan phải xuất trình chứng thư về thủy sản do Nhà nước Việt Nam cấp. Các sản phẩm chưa được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc sẽ không được giao dịch biên mậu, cụ thể là các sản phẩm thủy, hải sản (sứa, cá biển,… nguyên liệu từ bột xương, rong biển và dược liệu.

+ Về quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu của Trung Quốc (thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 01/10/2019), Trung Quốc quy định cụ thể như sau:

(i) Từ ngày 01/10/2019, không yêu cầu đăng ký hồ sơ lưu đối với nhãn mác bao bì của thực phẩm đóng gói sẵn lần đầu nhập khẩu vào Trung Quốc. Việc kiểm tra nhãn thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu là một trong những nội dung kiểm tra, kiểm nghiệm đối với thực phẩm, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ căn cứ theo các quy định pháp luật liên quan về kiểm nghiệm hàng hóa xuất nhập khẩu và vệ sinh an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật.

(ii) Nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm đảm bảo nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc trên bao bì đóng sẵn của thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải phù hợp với quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc, phù hợp với quy định hành chính và yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia. Nếu thẩm tra không đáp ứng tiêu chuẩn, không được nhập khẩu.

(iii) Thực phẩm đóng gói sẵn khi nhập khẩu sẽ được lấy mẫu kiểm tra xác suất tại hiện trường hoặc kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhà nhập khẩu cần cung cấp tài liệu chứng minh hàng hóa đáp ứng điều kiện nhập khẩu, tài liệu gốc và bản dịch ghi nhãn mác, mẫu ghi nhãn tiếng Trung và các tài liệu chứng minh khác cho nhân viên hải quan.

(iv) Khi nhận được thông báo của cơ quan hữu quan, đơn khiếu nại của người tiêu dùng về việc thực phẩm đóng gói sẵn bị nghi ngờ vi phạm quy định, cơ quan hải quan sẽ tiến hành thẩm tra xác minh, khi xác nhận có vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

(v) Các loại thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu vào Trung Quốc trưng bày triển lãm, hàng mẫu, hàng kinh doanh miễn thuế (trừ trường hợp miễn thuế theo luật định), thực phẩm phục vụ cho cơ quan ngoại giao, hàng xách tay du lịch, bưu phẩm, bưu kiện, thương mại điện tử qua biên giới… căn cứ theo các quy định hiện hành.

(vi) Doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm đóng gói sẵn cần đảm bảo nhãn mác bao bì đóng gói sẵn của thực phẩm xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia/ vùng lãnh thổ nhập khẩu hoặc yêu cầu của hợp đồng thương mại.

(vii) Từ ngày 01/10/2019, bãi bỏ các thông báo sau: (a) Thông báo số 44/2006 Tổng cục Kiểm nghiệm và Giám sát Chất lượng Quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) về điều chỉnh chế độ kiểm tra thẩm định ghi nhãn hàng mỹ phẩm, thực phẩm xuất nhập khẩu; (b) Thông báo số 59/2011 của AQSIQ về việc vận hành hệ thống quản lý ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu; (c) Thông báo số 27/2012 của AQSIQ về việc thực hiện quy định giám sát quản lý kiểm nghiệm ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu. Hồ sơ đã nộp lưu chiểu đăng ký trước đó sẽ bị hủy bỏ cùng thời điểm.

- Rào cản từ việc cơ cấu lại bộ máy quản lý và thực thi pháp luật của Trung Quốc:

Trung Quốc đã cơ cấu lại bộ máy quản lý, sáp nhập Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia (AQSIQ) về nhằm quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo ngành dọc. 

Trung Quốc tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên Tổng cục Hải quan Trung Quốc giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép khai báo hải quan, không cho phép nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm không có trong danh mục chuẩn kiểm dịch.

Trung Quốc đang và sẽ thiết lập ngày càng nhiều rào cản và yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, mặc dù Bộ Công Thương đã khuyến cáo, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về vấn đề này, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ, vẫn giữ cách thức "sản xuất, làm ăn manh mún", duy trì và tận dụng phương thức trao đổi hàng hóa giữa các cư dân biên giới với nhau, ... dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá.

2. Quy định đối với quả vải nhập khẩu vào Trung Quốc

2.1. Truy xuất nguồn gốc

Chứng thư/ giấy chứng nhận kiểm dịch phải do cơ quan chủ quản kiểm dịch của Việt Nam cấp và được bên bán/ xuất khẩu làm các thủ tục kiểm dịch trước khi ký hợp đồng/thỏa thuận thương mại với bên mua/ bên nhập khẩu. Nội dung của Chứng thư/ giấy chứng nhận kiểm dịch phải ghi rõ:

- Nội dung và cách thức trình bày của Chứng thư/ giấy chứng nhận kiểm dịch phải phù hợp với yêu cầu tại số 12 “Hướng dẫn cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật” của ISPM tiêu chuẩn của Quốc tế nhằm kiểm dịch về thực.

- Vải được vận chuyển bằng container, số container phải được ghi trên Chứng thư/ giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

- Phù hợp với các nội dung yêu cầu được ghi tại Nghị định thư/ Hiệp định song phương/ Thỏa thuận về kiểm dịch song phương mà Việt Nam ký với Trung Quốc. Đối với vải dùng cho triển lãm, phải được Chi cục Kiểm dịch kiểm nghiệm tại địa phương nơi tổ chức triển lãm ghi ý kiến loại trái cây được bán hoặc sử dụng trên các chuyến tàu, xe đi suốt cửa hàng miễn thuế đặt tại các cửa khẩu và tại các khách sạn ở khu vực cửa khẩu nhập khẩu ghi rõ ý kiến mới được phép tiêu thụ.

- Đối với các vải không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền kiểm dịch thực vật Việt Nam cấp hoặc chưa tiến hành kiểm tra theo luật định, chi cục kiểm nghiệm kiểm dịch tại cửa khẩu nhập khẩu căn cứ tình hình thực tế tiến hành xử lý theo phương thức trả lại hàng hoặc tiêu huỷ.

2.2. Đóng gói và dán nhãn

Vải cần được đóng vào thùng xốp kín, bỏ đá lạnh vào trong thùng vải, dán băng keo bên ngoài thùng, đảm bảo khi vận chuyển không bị bật nắp thùng.

Trọng lượng mỗi thùng có 2 loại: 20kg/thùng và 25kg/thùng, không tính đá và vỏ thùng xốp.

2.3. Một số quy định khác

- Vải cần có xuất xứ rõ ràng, bao gồm thông tin nơi sản xuất, cơ sở đóng gói.

- Ngoài bao bì cần ghi rõ tên sản phẩm, nơi sản xuất, tên cơ sở đóng gói.

 

-Vải phải phù hợp với nội dung giấy phép nhập khẩu; số lượng không đượcvượt quá số lượng cho phép; không được nhập khẩu kèm các loại hoa quả chưa được phép nhập khẩu chính thức.

- Vải nhập khẩu không được dính đất, cành hoặc lá và không có côn trùnggây hại, cỏ dại hoặc các loại bệnh.

- Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng phải phù hợp với tiêu chuẩncho phép của Trung Quốc.

- Tại giấy chứng nhận kiểm dịch do nước xuất khẩu cấp cần thống nhất 3thông tin gồm số container, người nhận hàng, người ký kết hợp đồng thương mại. (Lưu ý quy định chỉ định cửa khẩu nhập khẩu trái cây chính ngạch của phía Trung Quốc: Hoa quả nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc phải thông qua các cửa khẩu do Tổng Cục Quản lý Giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) chỉ định cho phép nhập khẩu. Hiện Quảng Tây và Vân Nam được phê chuẩn các cửa khẩu nhập khẩu hoa quả chính ngạch gồm: Bằng Tường, sân bay quốc tế Lưỡng Giang - Quế Lâm, Phòng Thành Cảng, Khâm Châu, Đông Hưng, Long Bang, Thủy Khẩu - Quảng Tây và Trường Thủy  - Vân Nam).

- Đối với xuất khẩu tiểu ngạch, doanh nghiệp cần nắm vững thông tin thị trường vải tại Trung Quốc theo tháng, theo ngày để quyết định vận chuyển vải đến biên giới vì thông thường khi các vùng vải chính của Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến) thu hoạch rộ, nguồn cung nhiều, nhu cầu nhập vải của thương nhân Trung Quốc giảm thì hiện tượng ế thừa, ép giá thường xảy ra.

3. Giải pháp ứng phó

Ở nhiều quốc gia, việc đòi hỏi phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp các bên liên quan truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác và còn giúp các doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm hàng hóa, giúp sự minh bạch thông tin về sản phẩm và hàng hóa để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng, đồng thời chống gian lận thương mại.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng tất yếu này, bởi truy xuất nguồn gốc chính là cánh cửa để hàng hóa Việt Nam bước vào các thị trường khó tính.

Trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước và để phát triển xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam một cách bền vững, thời gian tới phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

- Hoạt động xuất khẩu nông sản của chúng ta cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi.

- Đặc biệt, cần triệt để chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Và để thay đổi được thói quen xuất khẩu tiểu ngạch, cần sự tăng cường tuyên truyền, tập huấn của các bộ, ngành đến người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu.

- Vấn đề logistics cho xuất khẩu sang Trung Quốc cũng cần được quan tâm. Chi phí cho hoạt động logistics hiện chiếm khoảng 20 - 25% tổng chi phí trong hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào các vấn đề liên quan đến logistics.

Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc nói chung, chúng ta có lợi thế rất lớn do là nước láng giềng, có hệ thống đường biên giới rất dài với đa dạng các cửa khẩu thông quan giữa hai nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất thuận lợi để thông thương qua đường sắt, đường biển, đường hàng không... Nhưng, tình trạng ùn tắc tại các cảng, cửa biên vẫn xảy ra.

- Cân bằng sản xuất – tiêu thụ, bố trí sản xuất lệch thời vụ với bên Trung Quốc. Ví dụ quả thanh long, dưa hấu bên Trung Quốc chỉ phát triển được trước tháng 11, còn với Việt Nam phát triển từ tháng 11 đến tháng 4 sang năm. Như vậy, hai bên sẽ không xung đột về mặt thời điểm thu hoạch và tiêu thụ.

- Tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt trong khâu chế biến để kéo dài thời gian bảo quản.

Trung tâm Thông Tin Công Nghiệp Thương Mại - Bộ Công Thương 

2756 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
22865905
Lượt truy cập