Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

QUY ĐỊNH THỦ TỤC NHẬP KHẨU, RÀO CẢN THƯƠNG MẠI, KỸ THUẬT TẠI HÀN QUỐC 

Để các mặt hàng trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc, cơ quan chức năng của Việt Nam (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phải làm việc trực tiếp với Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật (QIA), Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc thông qua một quy trình gồm 8 bước, trong đó có những yêu cầu cụ thể về các biện pháp xử lý đối với trái cây tươi để loại bỏ các loài sâu bệnh có thể tồn tại trong các loại trái cây tươi này. Cho đến nay, mới chỉ có 2 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc là thanh long và xoài. Trên thực tế, để hoàn tất quy trình 8 bước này mất thời gian khoảng từ 4 - 5 năm cho mỗi loại trái cây tươi. Do không đủ nguồn lực nên hiện nay hai bên đang thực hiện cách tiếp cận làm từng loại trái cây một theo thứ tự ưu tiên. Danh sách thứ tự ưu tiên xử lý theo quy trình này, đề nghị Quý Vụ tham khảo với Cục Bảo vệ Thực vật.
QUY ĐỊNH THỦ TỤC NHẬP KHẨU, RÀO CẢN THƯƠNG MẠI, KỸ THUẬT TẠI HÀN QUỐC

1. Quy trình nhập khẩu

Quy trình nhập khẩu mặt hàng vải thiều vào Hàn Quốc thực hiện theo các quy định chung về nhập khẩu và dán nhãn thực phẩm nhập khẩu của Hàn Quốc, cụ thể như sau:

Sơ đồ1: Quy trình thông báo nhập khẩu thực phẩm

Thương nhân muốn nhập khẩu thực phẩm trước tiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh như điều kiện vệ sinh của kho chứa thực phẩm và điều kiện vệ sinh của các cửa hàng bán thực phẩm độc lập. Các chứng từ chứng minh phải được nộp cho văn phòng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm địa phương.

Sau khi đã đáp ứng các yêu cầu tiên quyết nêu trên, thương nhân phải chuẩn bị các chứng từ liên quan đến lô hàng nhập khẩu và nộp bộ hồ sơ thông báo nhập khẩu thực phẩm cho cơ quan chức năng khi hàng đến cảng. Cơ quan chức năng sẽ xem xét hồ sơ và quyết định biện pháp kiểm định (kiểm định hồ sơ, kiểm định cảm quan, kiểm định lấy mẫu và kiểm định chi tiết) và tiến hành kiểm định. Nếu kết quả kiểm định cho thấy sự tuân thủ, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận. Nếu kết quả kiểm định cho thấy sự không tuân thủ, cơ quan chức năng sẽ quyết định trả hàng về nước xuất khẩu, tiêu hủy hoặc yêu cầu chuyển sang mục đích sử dụng khác, không được dùng làm thực phẩm. Quy trình thông báo nhập khẩu thực phẩm cụ thể được mô tả tại Sơ đồ 1.

Trước hết, nhà nhập khẩu phải nộp tờ khai nhập khẩu hàng thực phẩm theo mẫu cùng các chứng từ liên quan. Mẫu tờ khai nhập khẩu hàng thực phẩm bằng tiếng Hàn Quốc chứa các nội dung thông tin như tên công ty, địa chỉ, tên mặt hàng, tiêu chuẩn, số lượng, trọng lượng, nước xuất khẩu, tên nhà sản xuất, cảng vận chuyển, danh mục các nguyên liệu, quy trình chế biến và các thông tin khác

Tờ khai nhập khẩu hàng thực phẩm phải đi kèm với các giấy chứng nhận kiểm dịch và/hoặc các chứng từ chứng minh khác, cụ thể đối với vải thiều đông lạnh phải có các chứng từ như:

- Chứng nhận giám định (rau, hoa quả, nấm và các loại khác);

- Chứng nhận xuất khẩu (đối với hoa quả đông lạnh, chứng nhận đảm bảo rằng hoa quả được đông lạnh ở nhiệt độ dưới -17,8oC);

Các sản phẩm được miễn kiểm tra được xác định căn cứ trên quy trình chế biến hoặc đóng gói sản phẩm, bao gồm những trường hợp sau:

- Sản phẩm đã được xử lý hóa chất, muối, đường, dầu và các chất khác có tác dụng diệt khuẩn:

+ Thực vật được ngâm hoặc bảo quản trong rượu, dấm, muối, đường hoặc dầu ăn;

+ Thực vật được ngâm hoặc bảo quản trong các dung dịch hóa chất như SO2;

+ Thực vật được chế biến với chất diệt khuẩn hoặc chất nhuộm màu;

+ Thực vật được ngâm hoặc bảo quản trong các chất có tác dụng diệt khuẩn

- Sâu bệnh gây hại đã bị tiêu diệt và bị loại trừ và sản phẩm đã được đóng gói để ngăn ngừa sự thâm nhập trở lại của những loại sâu bệnh đó:

+ Thực vật đã được rang, nướng, hấp hoặc luộc, được đóng gói và bịt kín;

+ Tinh bột;

+ Rơm rạ hoặc chiếu đã được đóng gói kín và có chứng nhận của cơ quan nhà nước xác nhận “đã được ngâm trong nước có thêm trên 50% ô-xy trong vòng hơn 30 phút. Đã được hấp hoặc tẩy ở nhiệt độ 100oC trong vòng hơn 30 phút trước khi đóng gói kín.” Giấy chứng nhận phải ghi tên doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu, tên hàng, số lượng, quy trình, nồng độ nước có thêm ô-xy và thời gian ngâm, nhiệt độ và thời gian xử lý nhiệt, ngày cấp chứng nhận và dấu của cơ quan cấp chứng nhận;

- Thực vật đã được chế biến theo các phương pháp làm cho sâu bệnh gây hại không thể tồn tại được:

+ Hoa quả được cắt, hấp hoặc luộc trong vòng hơn 5 phút với nhiệt độ 90oC sau đó được làm lạnh dưới -17,8oC;

+ Được hấp hoặc luộc trước khi làm lạnh;

+ Thực vật được rang hoặc hấp, phơi khô và dán kín;

+ Thực vật được chế biến thành bột, được đóng gói và dán kín;

+ Thực vật phơi khô được đóng kín trong hộp hoặc túi để bán lẻ.

+ Chè, lô hội, gia vị và các sản phẩm tương tự khác

Sơ đồ 2: Quy trình nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật

 

Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải nộp thông báo nhập khẩu sản phẩm là đối tượng kiểm dịch cho QIA cùng với tờ khai kiểm tra hoặc tờ khai xin phép nhập khẩu các sản phẩm bị cấm. Doanh nghiệp xuất khẩu có trách nhiệm cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp phù hợp với mẫu trong Công ước Quốc tế về Bảo vệ Thực vật cùng với các chứng từ khác như hóa đơn, danh mục hàng, vận đơn.

2. Quy định ghi nhãn đối với thực phẩm nhập khẩu

a. Cơ quan quản lý và văn bản pháp lý

Việc ghi nhãn đối với thực phẩm nói chung (trừ sản phẩm liên quan đến gia súc, gia cầm) nằm dưới sự quản lý của Bộ Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (MFDS). MFDS là cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm bao gồm cả mỹ phẩm, vắc xin, sản phẩm máu, thiết bị y tế và sản phẩm phóng xạ. MFDS cũng có chức năng kiểm tra sản phẩm nhập khẩu theo điều khoản được ghi tại Thông tư hướng dẫn việc kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ này, MFDS ban hành các quy định của tổ chức mình liên quan đến thực phẩm bao gồm Luật Thực phẩm, Luật Phụ gia Thực phẩm, Tiêu chuẩn Ghi nhãn đối với Thực phẩm, Tiêu chuẩn Ghi nhãn đối với Thực phẩm tổng hợp, Hướng dẫn Đánh giá An toàn của Thực phẩm tổng hợp, các quy định về thực phẩm chức năng.

Đối với sản phẩm liên quan đến gia súc bao gồm thịt, sản phẩm sữa và trứng, việc ghi nhãn do Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn (MAFRA) cơ quan này ban hành các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp bao gồm sản phẩm liên quan đến gia súc và sản phẩm sữa. MAFRA là cơ quan ban hành và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn ghi nhãn đối với sản phẩm gia súc (bao gồm thịt, sản phẩm sữa và trứng), Hướng dẫn ghi nhãn đối với sản phẩm biến đổi gen, Hướng dẫn ghi nhãn xuất xứ đối với hàng nông sản. Công tác giám sát đối với sản phẩm thủy sản, và thực phẩm chế biến hữu cơ cũng nằm dưới sự quản lý của cơ quan này. Cục Kiểm tra và Kiểm dịch Động Thực vật trực thuộc MAFRA chịu trách nhiệm ban hành và thực thi các quy định liên quan đến thực phẩm, bao gồm việc ban hành các quy định liên quan đến động vật và sản phẩm gia súc nội địa và nhập khẩu; ban hành quy định liên quan đến thực vật; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và các cấp độ phân loại đối với nông sản như tiêu chuẩn hữu cơ đối với sản xuất nông nghiệp, và thực thi việc ghi nhãn xuất xứ và ghi nhãn sản phẩm biến đổi gen đối với hàng rời (bulk commodities), ghi nhãn hữu cơ đối với trái cây tươi, rau, và ngũ cốc trên thị trường; giám sát sau ghi nhãn đối với các sản phẩm thực phẩm hữu cơ chế biến trên thị trường.

b. Ngôn ngữ ghi nhãn

Trừ phần nội dung về xuất xứ có thể ghi bằng 3 thứ tiếng Hàn, Trung hoặc tiếng Anh, các nội dung khác bắt buộc phải ghi bằng tiếng Hàn hoặc nhãn phụ bằng tiếng Hàn. Phần nhãn phụ bằng tiếng Hàn có thể được dán bổ sung sau khi tiến hành thông quan nhưng phải ở trong khu vực hải quan trước khi vào tiêu thụ tại nội địa. Tuy nhiên, việc ghi nhãn phụ không được chấp nhận đối với mặt hàng thực phẩm chức năng.

c. Nội dung ghi nhãn

Tên sản phẩm: Tên sản phẩm ghi trên nhãn phải trùng với tên đã khai báo với cơ quan cấp phép/kiểm tra. Đối với các sản phẩm sản xuất theo thiết bị gốc (OEM), xuất xứ của mác OEM phải được ghi khu vực quanh tên của sản phẩm.

Loại hình sản phẩm: Chỉ một số các sản phẩm được chỉ định buộc phải cung cấp nội dung này trên nhãn như các loại trà, thực phẩm bổ sung cho sức khỏe.

Tên và địa chỉ nhà nhập khẩuvà địa chỉ nơi sản phẩm có thể được trả lại, trao đổi trong các trường hợp bị hư hỏng

Ngày sản xuất: Bắt buộc phải ghi đối với những sản phẩm được chỉ định đặc biệt như suất ăn trưa đóng hộp, đường, rượu, muối, đồ tráng miệng đông lạnh (ghi tháng, năm sản xuất đối với đồ tráng miệng đông lạnh)

Hạn sử dụng: Thực phẩm phải được ghi nhãn hạn sử dụng do nhà sản xuất cung cấp. Nếu có nhiều sản phẩm với nhiều thời hạn sử dụng khác nhau được đóng gói chung thì phải ghi hạn sử dụng của sản phẩm có hạn ngắn nhất. Việc ghi rõ “Best before date” (“sử dụng tốt nhất trước ngày”) được yêu cầu đối với một số loại thực phẩm mà chất lượng có thể được duy trì nếu như sản phẩm đó được bảo quản theo hình thức thích hợp.

Các sản phẩm bao gồm mứt, trà, đồ uống khử trùng, sản phẩm cà ri khử trùng, bột, mật ong, bột mỳ, sản phẩm đóng hộp hoặc thủy tinh. Các sản phẩm này có thể lựa chọn cách thức ghi nhãn “best before date” hoặc ghi thời hạn sử dụng.

Việc ghi hạn sử dụng không bắt buộc đối với sản phẩm rượu nhưng ngày sản xuất bắt buộc phải được ghi. Tuy nhiên, yêu cầu này đối với rượu có thể được miễn nếu trên nhãn có ghi số lô sản xuất hoặc ngày đóng chai.

Thành phần và hàm lượng:  Các thành phần cấu thành nên sản phẩm phải được liệt kê theo thứ tự giảm dần tính theo hàm lượng về trọng lượng, khối lượng hoặc số lượng (nếu số lượng được ghi thì nội dung về trọng lượng và khối lượng bắt buộc phải ghi trong dấu ngoặc đơn).

Nội dung về hàm lượng calo chỉ bắt buộc đối với sản phẩm thực phẩm phải ghi nhãn dinh dưỡng.

Dinh dưỡng: Việc ghi nhãn dinh dưỡng là tùy chọn cho hầu hết các sản phẩm. Tuy nhiên, việc ghi nhãn dinh dưỡng được yêu cầu đối với một số loại sản phẩm sau:

- Các thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt

- Thực phẩm bổ sung sức khỏe

- Sản phẩm tự nguyện được mang nhãn dinh dưỡng và sản phẩm mong muốn mang dấu hiệu nhấn mạnh vào các chất dinh dưỡng cụ thể (ví dụ, nếu một sản phẩm được dán nhãn là “sữa chua giàu canxi” thì thành phần, hàm lượng can xi có trong sản phẩm phải được ghi rõ trong nhãn.)

- Nếu phần ghi nhãn dinh dưỡng bằng tiếng Hàn được tự nguyện đưa vào nhãn sản phẩm thì phần nhãn bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng của Hàn Quốc.

- Các loại bánh từ bột mì (bánh ngọt, bánh mỳ…), mì các loại, thực phẩm được chưng cất, dầu ăn và mỡ, các loại bánh có nhân.

- kẹo, sô-cô-la, bánh kẹo, mứt, đồ uống

- Đồ tráng miệng đông lạnh (kem), xúc xích cá, bánh gạo cuộn, hamburger, sandwich.

Ngoài ra, ghi nhãn dinh dưỡng phải tuân thủ theo bảng hàm lượng giá trị dinh dưỡng hàng ngày khuyên dùng của Hàn Quốc, phải ghi rõ hàm lượng acid chuyển đổi mỡ (trans fatty acid).

Các nội dung khác được quy định bởi tiêu chuẩn ghi nhãn: Điều này bao gồm cảnh báo và tiêu chuẩn về sử dụng và bảo quản như việc ghi rõ nhiệt độ bảo quản cần thiết đối với các sản phẩm yêu cầu phải bảo quản tại nhiệt độ thấp.

Xuất xứ: Ngoài yêu cầu chung về ghi nhãn xuất xứ, riêng đối với mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn có Hướng dẫn riêng về việc ghi nhãn đối với sản phẩm nông nghiệp (viết tắt là COOL). Theo hướng dẫn tại COOL, rất nhiều mặt hàng nông sản, bao gồm hầu hết các sản phẩm nhập khẩu bắt buộc phải ghi nhãn xuất xứ. Việc thực thi áp dụng các quy định của COOL tại thị trường do Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc QIA chịu trách nhiệm. Đối với sản phẩm nhập khẩu, Cơ quan Hải quan Hàn quốc chịu trách nhiệm thực thi các quy định của COOL tại cửa khẩu trước khi làm thủ tục thông quan.

Từ năm 2006, Hải quan Hàn Quốc thắt chặt việc áp dụng COOL đối với sản phẩm thịt. Hải quan Hàn Quốc yêu cầu phải ghi nhãn xuất xứ trong bao gói trong của các sản phẩm thịt. Đối với hoa quả nhập khẩu như chuối, cam, việc ghi nhãn xuất xứ không bắt buộc phải dán lên từng quả đơn lẻ. Nhãn xuất xứ đơn lẻ được miễn trừ khi có ít khả năng hiểu lầm về nước xuất xứ dựa trên hình dáng bên ngoài.

d. Mặt hàng được miễn ghi nhãn

Sản phẩm nông nghiệp như ngũ cốc, thủy sản chẳng hạn như cá đông lạnh nguyên con, và trái cây, không được chứa trong một chiếc container hoặc bao gói.

Thực phẩm được sử dụng để sản xuất cho mục đích riêng của một công ty (giấy tờ liên quan phải được cung cấp). Trong trường hợp này, tên của sản phẩm, tên của nhà sản xuất, và ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày” phải được ghi trên bao bì nguyên gốc bằng tiếng Anh hoặc bằng ngôn ngữ của nước xuất khẩu.

  Các sản phẩm được nhập khẩu với mục đích mua lại ngoại tệ căn cứ theo các điều khoản của Điều 34 Pháp lệnh Bộ trưởng đối với Luật Ngoại thương Hàn Quốc.

e. Một số yêu cầu ghi nhãn khác

Ngoài những nội dung nêu trên, Hàn Quốc còn có một số yêu cầu ghi nhãn khác như việc không cho phép sử dụng hình ảnh hoặc ảnh của hoa quả và thành phần của sản phẩm mà bao gồm hương liệu tổng hợp.

Việc sử dụng một hình ảnh hoặc ảnh của một thành phần như trái cây và một "hương vị" là không được phép đối với các sản phẩm có chứa hương vị tổng hợp. Ví dụ, nếu một sản phẩm kẹo được thực hiện với hương vị dâu tây, nhãn phải ghi rõ "kẹo được làm theo hương vị dâu tây (bổ sung hương vị dâu tây tổng hợp)" xung quanh tên sản phẩm. Nếu sử dụng các hương vị dâu tổng hợp thì không được phép in bất kỳ hình ảnh của một quả dâu tây nào trên nhãn sản phẩm. Điều này là để tránh cho người tiêu dùng nhầm lẫn hoặc quan niệm sai lầm rằng sản phẩm có dâu tây thực sự do tác dụng của hình ảnh thực.

f. Ghi nhãn đối với bao bì bên trong

Việc ghi nhãn đối với bao bì bên trong là bắt buộc đối với các sản phẩm có 2 lần bao gói và có diện tích của mặt lớn nhất của bao gói bên trong lớn hơn 30cm2.

Thông tin bắt buộc ghi tại bao bì bên trong gồm: tên sản phẩm, hàm lượng tịnh của calo cung cấp tương ứng với khối lượng tịnh, thời hạn sử dụng hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày” và thành phần dinh dưỡng. Cỡ chữ của từng nội dung này được ghi cụ thể tại bảng dưới đây.

Thông tin ghi nhãn

Cỡ chữ (point)

Tên sản phẩm

6pt hoặc lớn hơn

Hàm lượng tịnh (lượng calo tương ứng với hàm lượng tịnh)

12pt hoặc lớn hơn

Thời hạn sử dụng hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”

10pt hoặc lớn hơn

Dinh dưỡng

8pt hoặc lớn hơn

Theo Thông Tin Trung Tâm Thông Tin Công Nghiệp Thương Mại


 
3201 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23002383
Lượt truy cập