Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Vải thiều Bắc Giang được giá, thị trường tiêu thụ không quá khó 

Năm nay, Bắc Giang mất mùa vải thiều chính vụ, sản lượng ước khoảng 100 nghìn tấn, giảm 40% so với năm 2016. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ vải thiều năm nay được xem là không gay gắt như các năm trước, vì thị trường ngày càng mở rộng.
Vải thiều Bắc Giang được giá, thị trường tiêu thụ không quá khó

Tiêu thụ thuận lợi

Ông Nguyễn Thái Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, toàn huyện có khoảng 1.400ha trồng vải, trong đó vải sớm trên 1.000 ha. Năm nay do thời tiết diễn biến thuận lợi (đối với vải sớm), cùng với việc người dân tuân thủ kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất, chất lượng quả vải sớm của huyện đều tăng.

“Ước tính sản lượng vải sớm của huyện đạt khoảng trên 12.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái, với giá bán bình quân đạt khoảng 30 - 32.000 đồng/kg, tăng so cùng thời điểm nên người trồng vải rất phấn khởi”.

Đặc biệt, vải năm nay chín rải rác chứ không chín rộ đồng loạt như các năm trước nên người trồng vải không phải chịu áp lực thu hái và không bị thương lái ép giá.

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, toàn tỉnh có khoảng 6.000ha vải sớm, tập trung tại các huyện Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn. Năm nay sản lượng vải sớm ước tính đạt khoảng 45.000 tấn, gấp đôi so với năm ngoái, với giá bán đầu vụ tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với năm ngoái nên người trồng vải sớm rất vui.

Để bù đắp sản lượng giảm, nâng cao giá trị thương hiệu quả vải thiều, giúp người trồng vải vẫn có thu nhập cao, các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang đã tích cực, chủ động từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch, đặc biệt là xúc tiến tiêu thụ, tìm kiếm thị trường cho quả vải.

Năm nay, Bắc Giang kết nối 4 hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều của những năm trước ở huyện Lục Ngạn, các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, và TP Hồ Chí Minh thành một hội nghị tổ chức ở TP Bắc Giang ngày 27/5, để cung cấp thông tin về thị trường, các rào cản kỹ thuật, hành lang pháp lý, chính sách biên mậu, đồng thời gắn với hội nghị cũng mời tất cả các bạn hàng được trực tiếp thăm vùng vải thiều tiêu chuẩn cao để yên tâm về chất lượng.

Năm nay, theo thống kê, sản lượng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap đạt khoảng 40.000 tấn, theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt khoảng 1.600 tấn. Đặc biệt, Bắc Giang đã có 218 ha vải thiều được Hoa Kỳ cấp mã số với 394 hộ sản xuất.

Vào chính vụ, tỉnh sẽ tổ chức một hội nghị xúc tiến ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (ngày 8/6), đồng thời tổ chức Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tại Hà Nội (từ ngày 16/6 - 23/6).

Xuất khẩu 50% sản lượng

Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, các thị trường truyền thống tiếp tục được Bắc Giang xác định là quan trọng nhất trong tiêu thụ vải thiều năm nay. Đối với thị trường nội địa, Bắc Giang xác định tập trung vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, thị trường XK cũng được địa phương này chú trọng không kém khi năm nay, lượng vải thiều XK ước đạt khoảng 50 nghìn tấn (chiếm 50% tổng sản lượng), tập trung vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… sẽ từng bước được mở rộng.

Năm nay, để chuẩn bị cho tiêu thụ vải thiều, Bộ Công thương đang có những động thái hỗ trợ cụ thể. Theo đó, ngoài một số chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm vải thiều tới người tiêu dùng, Bộ Công thương sẽ tạo mọi điều kiện để DN XK vải sang Mỹ, Australia, Nhật Bản..., qua đó hạn chế đến mức tối đa việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng: Sở Công thương Bắc Giang và các DN tiêu thụ vải bên cạnh việc mở rộng thị trường XK sang các thị trường mới có yêu cầu chất lượng cao như Anh, Mỹ, Pháp, Australia… cần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá sản phẩm tại thị trường nội địa. Bởi trái vải có thời gian thu hoạch ngắn, theo đó tập trung thị trường trong nước cũng là cách để giá trị tiêu thụ đạt mức cao nhất.

“Đối với thị trường nội địa, cùng với các thị trường quan trọng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam bộ, tỉnh cần chú trọng hơn vào thị trường bán lẻ hiện đại, đẩy mạnh ký kết với các siêu thị lớn. Ngoài việc đổi mới việc xúc tiến tiêu thụ, công tác hậu cần cũng cần được chuẩn bị sẵn sàng, ...”, bà Nga nói.

 

Nguồn: Báo NNVN

1392 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
22826706
Lượt truy cập