Hướng đi đúng
Xác định đây là một trong những tiêu chí khó nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực Huyện ủy yêu cầu cấp ủy các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền về chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa. UBND huyện giao phòng chuyên môn và xã chủ động chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Kết thúc nửa nhiệm kỳ, huyện đã cấp chứng nhận VietGAP cho 68,7 ha rau màu tại các xã: Quảng Minh; Trung Sơn; Nghĩa Trung; Việt Tiến và 19 ha thủy sản ở xã Nghĩa Trung. Theo đánh giá của Thường trực Huyện ủy, việc hình thành các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, thu nhập năm 2017 ước đạt 108 triệu đồng/ha.
Tháng 8-2017, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tổng hợp Minh Tâm, xã Việt Tiến đi vào hoạt động với 60 nhà lưới. UBND huyện đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng khung, nhà màng và chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Sản phẩm chủ lực là dưa chuột, ớt ngọt đều được HTX thu mua, cung cấp cho Công ty Sinh học nông sản Việt (Hà Nam) và Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang- Bắc Giang). “Chúng tôi ký kết với doanh nghiệp nên giá bán ổn định, dưa chuột là 9 nghìn đồng/kg; còn ớt là 13 nghìn đồng/kg, trong khi giá ngoài thị trường khá bấp bênh, lúc lên lúc xuống. Theo tính toán sơ bộ, vụ đầu tiên, mỗi ha thu nhập khoảng 500-600 triệu đồng”, chị Giáp Thị Thạo, Phó Giám đốc HTX cho hay. Mới đây, đơn vị được công nhận sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 50 ha. Hiện đang chuẩn bị các điều kiện xây dựng khu sơ chế, bảo quản nông sản để nâng cao chất lượng sản phẩm và làm thủ tục đăng ký mã vạch nhằm khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Trong năm 2018, huyện tập trung thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách về tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn; liên kết 4 “nhà”; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và xây dựng thành công thương hiệu rau, củ, quả Việt Yên”.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện
Lê Ô Pích
|
Việt Yên hiện có hơn 9,4 nghìn ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tổng đàn vật nuôi gần 100 nghìn con/năm. Một số vùng sản xuất tập trung đã hình thành; toàn huyện có 55 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết quả này có được là do Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân có sự đồng thuận, thống nhất cao. Huyện có cơ chế khuyến khích phù hợp như hỗ trợ 10-15 triệu đồng làm thủ tục công nhận VietGAP; mỗi năm dành hàng chục tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, qua đánh giá, diện tích được cấp VietGAP còn chưa tương xứng với tiềm lực. Một số vùng sản xuất chuyên canh chưa được quy hoạch dẫn đến tính bền vững không cao. Việc gắn kết “4 nhà” còn yếu; nông dân sản xuất theo cách truyền thống, chưa có ý thức về thị trường, do đó việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ví như Tổ hợp tác thủy sản thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung có 26 hộ tham gia với 30 ha nuôi trồng song mới chỉ có 19 ha được cấp chứng nhận VietGAP.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra, đồng chí Lê Ô Pích, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Quá trình triển khai bám sát vào chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Mới đây, huyện phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao tiêu chí số 13 trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới – Xây dựng thương hiệu rau củ quả Việt Yên. Trong đó nêu cụ thể các mức hỗ trợ. Bản thân người nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất, chủ động tham gia mô hình này.
"Báo Bắc Giang Điện Tử"