Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Bắc Giang sản xuất vải thiều xuất khẩu: Tuân thủ quy trình chăm sóc 

Những ngày này, cùng với sản xuất lúa màu vụ xuân, nhà vườn Lục Ngạn (Bắc Giang) đang tập trung chăm sóc vải thiều bảo đảm tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Bắc Giang sản xuất vải thiều xuất khẩu: Tuân thủ quy trình chăm sóc

Tin vui với bà con trồng vải là năm nay, lần đầu tiên Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu vải thiều của Việt Nam. Ngay khi có thông tin, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh đã gấp rút phối hợp thực hiện các biện pháp. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang tiếp tục liên hệ với phía Nhật Bản để cập nhật các tiêu chuẩn cụ thể, hướng dẫn đến người dân.

Chị Trương Thị Tư, thôn Ngọt, xã Hồng Giang thu dọn tàn dư thực vật sau tỉa cành.

Chị Trương Thị Tư, thôn Ngọt, xã Hồng Giang thu dọn tàn dư thực vật sau tỉa cành.

Dù vậy, do có kinh nghiệm sản xuất vải xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhiều năm qua, hiện nay nhà vườn tại Lục Ngạn đang tập trung chăm sóc để giúp cây sinh trưởng tốt, được mùa. Gia đình chị Trương Thị Tư, thôn Ngọt, xã Hồng Giang trồng hơn một ha vải thiều. Mấy năm gần đây, chị đều chăm sóc vải theo quy trình GlobalGAP nên sản phẩm luôn được giá, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Năm nay, cả vườn đều cho mầm hoa mập mạp, tín hiệu cho một mùa vải nhiều hoa, sai quả. Vì thế, chị Tư tỉa bớt một số cành rậm rạp để hạn chế sâu bệnh trú ngụ. Các cành sau cắt được thu gom sạch sẽ.

Ông Hoàng Văn Man, Trưởng thôn Ngọt cho biết, được tập huấn kỹ thuật, người dân đã biết cách chăm sóc vải bảo đảm an toàn; ghi nhật ký bón phân, phun thuốc. Bà con không mua thuốc trừ sâu, bệnh trôi nổi trên thị trường mà sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Sau 15 ngày phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mới thu hoạch sản phẩm. Nhờ đó, nhiều chuyến vải của thôn ngọt được xuất khẩu sang thị trường các nước như: Úc, Mỹ và một số nước châu Âu.

Lục  Ngạn có hơn 16 nghìn ha vải. Trong đó, huyện tiếp tục duy trì sản xuất hơn 200 ha vải được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường cao cấp, riêng thị trường Nhật Bản là 50 ha.

Tại thôn Kép1, xã Hồng Giang, gia đình anh Nguyễn Văn Quyên từ nhiều năm nay là hộ điển hình trồng vải GlobalGAP của huyện. Thành thạo kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và nhìn cây chăm bón, anh đã có một số vụ vải được mùa quả riêng dù các hộ trong xã đều mất mùa. Không chỉ vậy, chất lượng vườn vải này cao, mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện vườn đang cho nhiều hoa, anh Quyên tiếp tục chăm bón vải theo quy trình an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Được biết, Lục Ngạn có hơn 16 nghìn ha vải. Trong đó, huyện tiếp tục duy trì sản xuất hơn 200 ha vải được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường cao cấp, riêng thị trường Nhật Bản 50 ha. Một số trận mưa lớn xảy ra hồi đầu năm nên nước tưới cho vải tương đối thuận lợi. Xác định tạo ra sản phẩm an toàn là trách nhiệm, vai trò của người sản xuất, cơ quan chuyên môn của huyện luôn đồng hành cùng người dân. Ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Vải sớm ra hoa đạt tỷ lệ hơn 90%, tăng mạnh so với năm trước. Vải thiều lác đác ra hoa, dự báo tỷ lệ cũng đạt cao. Đây là giai đoạn quyết định đến chất lượng hoa vải, số lượng hoa trên cành nhiều hay ít sẽ đánh giá tỷ lệ đậu quả nên khâu chăm sóc rất quan trọng. Căn cứ điều kiện thời tiết, tình hình sinh trưởng, phát triển của vải, chúng tôi hướng dẫn các biện pháp thực hiện trong thời gian này”. Cũng theo ông Huy, đơn vị khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh có nguồn gốc thảo mộc, sinh học để chăm sóc cho cây vải. Tuyệt đối không được dùng thuốc nằm trong danh mục cấm.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, hiện tượng mưa đá, sương muối xuất hiện đã làm ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa và phát triển của cây vải, nhất là trà vải chính vụ và muộn. Bởi vậy, cây vải giai đoạn này cần được chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh sớm. Đối với trà vải sớm, hộ dân kiểm tra vườn thường xuyên, tập trung bón phân NPK, trung, vi lượng có thành phần magiê, kẽm, phân bón qua lá giúp giảm tỷ lệ rụng hoa và tăng sức đề kháng của cây, kết hợp tỉa cành, lá cành chồi vượt, chú ý giữ ẩm; phòng trừ một số sâu, bệnh gây hại như: Bệnh sương mai, sâu đo, sâu róm và đây là các đối tượng làm giảm chất lượng hoa, ảnh hưởng năng suất vải sau này.

Trên trà vải chính vụ và muộn, thường xuyên theo dõi, cắt các cành nhiễm sâu bệnh, tập trung nuôi mầm hoa phát triển tốt, bón phân và giữ ẩm vừa phải, sử dụng các loại phân trung, vi lượng. Thường xuyên vệ sinh vườn vải sạch sẽ, hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh và phun thuốc trừ bệnh thán thư, bọ xít, rệp muội...

Các nhà vườn, cơ quan chuyên môn luôn sát cánh để chăm sóc cây trồng tốt nhất mở ra triển vọng về một mùa vải mới bội thu.

Theo Báo BGĐT

5498 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21851345
Lượt truy cập