- Diện tích trồng vải thiều năm 2017 duy trì gần 30.000 ha; sản lượng đạt trên 91.500 tấn (giảm 50.800 tấn và bằng 64,2% so với năm 2016); trong đó vải thiều sớm đạt 31.675 tấn, chiếm 34,6%; vải thiều chính vụ đạt 59.825 tấn, chiếm 65,4%; tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn (55.275 tấn), Tân Yên (13.000 tấn), Lục Nam (12.500 tấn), Yên Thế (4.000 tấn), Sơn Động (2.425 tấn), Lạng Giang (4.300 tấn). Chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước, cơ bản hiện tượng sâu cuống đã được khắc phục bằng biện pháp sinh học. Do ảnh hưởng của thời tiết, nên năm nay thời gian thu hoạch có một số thay đổi, vải thiều sớm từ ngày 20/5 đến ngày 15/6, chính vụ từ ngày 15/6 đến ngày 20/7.
- Diện tích vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGap duy trì 12.800 ha, sản lượng đạt 37.000 tấn. Có 218 ha vải thiều được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất, tập trung tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Biên Sơn, Tân Quang, Tân Sơn và Kiên Lao huyện Lục Ngạn, sản lượng đạt gần 770 tấn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
- Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phân hóa mầm hoa và năng suất của vụ vải thiều. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng các biện pháp tiến bộ khoa học và kinh nghiệm sản xuất của nhân dân, nhiều hộ dân vẫn có sản lượng lớn, mẫu mã đẹp, giá trị sản xuất lớn; trên 1.000 hộ có vườn vải thiều thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó có 10 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, có hộ ông Dương Văn Sáng và hộ ông Nguyễn Văn Hiền ở xã Tân Mộc có thu nhập trên 800 triệu đồng.
1. Công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều
- Được sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, đầu tháng 5/2017 đã tạo điều kiện, tổ chức cho đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Giang đi xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm đưa các sản phẩm nông sản nói chung, vải thiều nói riêng của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Mỹ và Canada; đồng thời, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chuẩn bị tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường, Trung Quốc.
- Năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, trong hai ngày 27 - 28/5/2017, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều có quy mô lớn tại thành phố Bắc Giang, với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn, có 70 doanh nghiệp, thương nhân của Trung Quốc, gần 300 doanh nghiệp, thương nhân của Việt Nam. Trong các sự kiện diễn ra tại Hội nghị, các doanh nghiệp, thương nhân đã tổ chức tiếp xúc, trao đổi bàn bạc về kế hoạch xuất khẩu vải thiều; đồng thời các doanh nghiệp, thương nhân đã trực tiếp đến thăm vùng cây ăn quả “Thủ phủ vải thiều của Việt Nam” được sản xuất với quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Vietgap và Globalgap; cảm nhận rõ hơn về chất lượng vượt trội của vải thiều Bắc Giang. Đồng thời, các thương nhân Việt Nam và Trung Quốc được trực tiếp tìm hiểu về Bắc Giang điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và đang trên con đường hội nhập và phát triển.
- Đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường, Trung Quốc (ngày 08/6/2017), thu hút sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Đây là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang phối hợp với thị Bằng Tường (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc; góp phần nâng cao tinh thần hữu nghị, hợp tác, truyền tải thông điệp của tỉnh Bắc Giang về cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Trung Quốc, đến phối hợp với thương nhân Việt Nam tổ chức giám sát thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc.
- Năm 2017, Sở Công Thương Bắc Giang tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức thành công “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang” tại Hà Nội từ ngày 16 - 22/6/2017. Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang và UBND thành phố Hà Nội, nhằm cụ thể hóa Kế hoạch hợp tác liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020. Tại sự kiện này, tổng sản lượng tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C là 94 tấn; các siêu thị tiện ích tại Hà Nội và cửa hàng thực phẩm sạch của Liên minh HTX Việt Nam là 12 tấn; giá bán vải thiều là 55.000 đồng/kg, vải thiều cắt cuống đóng túi lưới và đóng hộp từ 75.000-80.000 đồng/kg. Sau tuần lễ vải thiều, các điểm bán này tiếp tục được duy trì cố định, thường xuyên, trở thành địa chỉ tin cậy để người dân thành phố Hà Nội không chỉ mua vải thiều, mà còn có thể mua các sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh Bắc Giang.
2. Công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm
- Xác định truyền thông có vai trò quan trọng trong việc thông tin, quảng bá, giới thiệu vải thiều Bắc Giang đến các thị trường trong và ngoài nước. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, UBND các huyện có vải thiều chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, tình hình thị trường đảm bảo chính xác, kịp thời. Phân công đồng chí Giám đốc Sở Công Thương là người phát ngôn, để chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông trong việc cung cấp thông tin tuyên truyền đảm bảo kịp thời, chính xác về sản lượng, tình hình thu hoạch, diễn biến thị trường...
- Năm 2017, tỉnh Bắc Giang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều cơ quan truyền thông từ Trung ương tới địa phương như: Đài truyền hình Việt Nam VTV1, VTV2, VTV5, VTV6; VOV, VTC16, VTC14, Kênh truyền hình Quân đội nhân dân, Kênh truyền hình công an nhân dân, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài PTTH tỉnh Bắc Giang; các báo: Công Thương, Nông nghiệp Việt Nam, Kinh tế nông thôn, Thông tấn xã Việt Nam, Pháp luật, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuổi trẻ, Hà Nội mới, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai... và các cơ quan truyền thông của Trung Quốc đã làm rất tốt vai trò của mình trong việc định hướng dư luận, thông tin một cách đầy đủ, khách quan, kịp thời, thường xuyên về tình hình sản xuất, sản lượng, chất lượng, thị trường tiêu thụ hỗ trợ nông dân, thương nhân và doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
- UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang… thường xuyên thông tin các nội dung về tình hình sản xuất, sản lượng vải thiều, giá cả, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; các nội dung về đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với thương nhân nước ngoài.
- UBND các huyện có vải thiều đã tăng cường công tác tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm tới người dân, thương nhân và doanh nghiệp trên địa bàn. Chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó đã góp phần quan trọng trong công tác tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều.
- Sở Công Thương và UBND các huyện Lục Ngạn, Tân Yên đã in và cấp trên 55.000 nhãn đề can hàng hóa vải thiều Lục Ngạn cho Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, Công ty TNHH thương mại và XNK Hùng Thảo, HTX dịch vụ nông nghiệp Phúc Hòa; cấp 380 kg túi nilon, 370 kg túi lưới; in catalog, đĩa DVD… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều.
3. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các điều kiện khác hỗ trợ công tác tiêu thụ vải thiều
- UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện triển khai thực hiện các biện pháp phân luồng, dãn điểm cân, đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt; tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm thu mua vải thiều, tăng cường đảm bảo an ninh cho người dân, thương nhân, doanh nghiệp thu mua vải thiều tại địa phương; tạo điều kiện tối đa về các thủ tục hành chính, nhất là cấp thị thực cho thương nhân Trung Quốc sang thu mua, tiêu thụ vải thiều.
- Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu vực tập trung đông các thương nhân, doanh nghiệp về thu mua vải thiều trên địa bàn.
- Sở Ngoại vụ đã thực hiện tốt công tác đối ngoại, tổ chức nghi lễ đón tiếp và tổ chức các buổi làm việc với các đoàn chính quyền, thương nhân Trung Quốc và một số nước đến hợp tác, tìm hiểu về vải thiều Bắc Giang.
- Ngành điện đã ưu tiên cung cấp điện đầy đủ cho các huyện có sản lượng tiêu thụ vải lớn, thường xuyên kiểm tra hệ thống đường dây điện vượt đường, không để cản trở xe container và các xe vận chuyển vải thiều lưu thông.
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo đến các ngân hàng thương mại xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo lãnh và tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn, giải ngân hỗ trợ tiêu thụ vải thiều.
- UBND các huyện bố trí đủ nhân lực, phương tiện tổ chức thực hiện thu gom, xử lý rác thải kịp thời, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin thị trường; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, không để xảy ra sự cố trong tranh chấp, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
4. Kết quả tiêu thụ
4.1. Về thị trường tiêu thụ
Năm 2017, thị trường nội địa chiếm 60%, thị trường xuất khẩu chiếm 40% tổng sản lượng (mục tiêu đề ra là nội địa 50%, xuất khẩu 50%), cụ thể là:
- Thị trường nội địa: Được xác định là thị trường trọng điểm, tập trung nhằm khai thác hết tiềm năng sẵn có. Vải thiều được tiêu thụ khắp toàn quốc, những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm tạo tính ổn định, bền vững trong việc chế biến, tiêu thụ vải thiều. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa trên 54.900 tấn. Trong đó, riêng thị trường phía Nam tiêu thụ trên 19.105 tấn, chiếm khoảng 34,8% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
- Thị trường xuất khẩu: Tổng sản lượng tiêu thụ xuất khẩu đạt trên 36.600 tấn. Trong đó, thị trường Trung Quốc 28.000 tấn, chiếm 76,5% tổng sản lượng xuất khẩu (qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn 19.040 tấn, cửa khẩu Lào Cai 8.400 tấn, cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang 560 tấn). Vải thiều Bắc Giang tiếp tục được xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản… Năm 2017, phát triển thêm thị trường Dubai, Hà Lan, Thái Lan… Hiện nay, vải thiều của Bắc Giang được xuất khẩu vào hơn 30 quốc gia trên thế giới.
4.2. Về thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh vải thiều
- Năm nay, nhiều doanh nghiệp, thương nhân mới tham gia vào việc tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều. Tại huyện Lục Ngạn có trên 350 điểm thu mua lớn nhỏ, trong đó có trên 126 điểm thu mua từ 8 tấn/ngày trở lên. Lúc cao điểm, có 147 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt hàng trăm điểm cân, trung bình 10-12 tấn/ngày/điểm cân.
- Do sản lượng vải thiều giảm, nên điểm cân cũng giảm hơn so với năm 2016. Đồng thời, trên thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn thu mua vải thiều đã tác động mạnh đến việc thu mua, tiêu thụ của thương nhân Trung Quốc như Công ty TNHH Ánh Dương Sao, Công ty Phong Sơn Tiệm… đã xuất khẩu được sang các thị trường mới: Dubai, Hà Lan, Thái Lan; qua đó, việc mua bán, xuất khẩu vải thiều của tỉnh đã diễn ra hết sức sôi động, cạnh tranh, thuận lợi, giá bán trong suốt mùa vụ cao và ổn định.
4.3. Về giá cả và doanh thu từ hoạt động sản xuất, tiêu thụ vải thiều
- Mùa vụ 2017, giá vải thiều sớm từ 40.000 - 60.000 đồng/kg (có thời điểm giá cao đến 83.000 đồng/kg); vải thiều chính vụ giá từ 18.000 - 55.000 đồng/kg (có thời điểm lên đến 80.000 đồng/kg). Tại các cửa khẩu, giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Giá bán trung bình đạt 38.000 đồng/kg, cao gần gấp hai lần so với năm 2016. Giá vải thiều xuất khẩu trung bình đạt 58.000 đồng/kg.
- Giá trị sản xuất từ vải thiều toàn tỉnh ước đạt 3.537 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt 1.769 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ ước đạt 5.306 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.123 tỷ đồng (trên 90 triệu USD).
- Năm 2017, vải thiều tươi có giá bán cao nên sản lượng vải thiều chế biến giảm, chủ yếu là các sản phẩm truyền thống như ép nước, cùi đóng hộp, cùi đông lạnh, sấy khô; chỉ có 8 cơ sở sấy vải thiều, giá bán từ 80.000 – 100.000 đồng/kg.
5. Kết quả một số ngành nghề chế biến, dịch vụ chính trong vụ vải thiều
- Hoạt động ngân hàng: các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các thủ tục chuyển, rút tiền thông qua ngân hàng được thực hiện nhanh, gọn. Tổng số tiền giao dịch qua bưu điện và ngân hàng là 3.526 tỷ đồng, trong đó: Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 2.465 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV 467 tỷ đồng, Ngân hàng Vietcombank 263 tỷ đồng, Bưu Điện 6 tỷ đồng; các ngân hàng đã tạo điều kiện cho vay để kinh doanh vải thiều với tổng số tiền 325 tỷ đồng.
- Về cung ứng điện Công ty Điện lực Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch ưu tiên cấp điện phục vụ nhân dân, đặc biệt quan tâm ưu tiên cho các cơ sở sản xuất đá cây, thùng xốp, không để xảy ra tình trạng mất điện gây thiệt hại cho hộ kinh doanh. Tổng sản lượng điện phục vụ trong vụ tiêu thụ vải thiều tại các cơ sở sản xuất đá cây, nhà máy xốp khoảng 7,26 triệu kWh, giá trị đạt 15,4 tỷ đồng.
- Về sản xuất và cung ứng thùng xốp, có 4 doanh nghiệp sản xuất thùng xốp với 38 máy, 46 kho chứa thùng xốp tập trung chủ yếu tại huyện Lục Ngạn. Tổng lượng thùng xốp phục vụ vải thiều khoảng 4.875.000 thùng, tổng giá trị đạt 152,8 tỷ đồng.
- Về sản xuất nước đá công nghiệp phục vụ bảo quản vải thiều: có 42/49 cơ sở sản xuất đá cây hoạt động; tổng số lượng đá cây tiêu thụ là 870.000 cây, giá trị đạt 17,4 tỷ đồng.
- Các hoạt động phụ trợ khác đi kèm như: vận chuyển, nhân công thu hoạch, nhân công bốc xếp, khách sạn, nhà hàng... diễn ra hết sức sôi động và phong phú, hỗ trợ tích cực cho công tác tiêu thụ vải thiều.