Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Bảo đảm quy hoạch vùng cây ăn quả ở Lục Ngạn 

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của các loại cây ăn quả đặc sản đã đưa Lục Ngạn (Bắc Giang) trở thành "thủ phủ" trái cây miền Bắc. Tuy nhiên, cần có biện pháp nhằm bảo đảm phát triển vùng cây ăn quả theo quy hoạch và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bảo đảm quy hoạch vùng cây ăn quả ở Lục Ngạn

Trái ngọt vụ đông "lên ngôi"

Thực hiện chủ trương cắt giảm diện tích vải thiều sau khi người dân phát triển ồ ạt loại cây này phá vỡ quy hoạch, làm tăng diện tích nhưng chất lượng thấp, giá thành đi xuống, hiệu quả kinh tế không cao…, huyện Lục Ngạn đã nghiên cứu tìm loại cây trồng thích hợp nhằm thay thế loại cây ăn quả chủ lực này bằng các loại cây đặc sản khác, cho hiệu quả kinh tế cao không kém gì cây vải thiều. 

Trước khi huyện Lục Ngạn triển khai thực hiện chủ trương này, có một số người dân lấy giống về trồng thí điểm và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhất là đối với những loại cây cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Ðây chính là sự khẳng định rằng các loại cây ăn quả đều có thể sống và đậu quả trên vùng đất này nếu có sự chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, diện tích trái cây dịp trước và sau Tết năm nay khoảng gần 2.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 16 nghìn tấn, tăng 4 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước, giá trị tương đương 350 tỷ đồng. Sản lượng quả có múi chủ đạo vẫn là cam đường (gốc Vân Canh) và bưởi (gốc Diễn). Ðây là hai loại quả có giá trị cao, cho thu hoạch ổn định cho nên đã là sự lựa chọn của nhiều hộ nông dân khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Sau mỗi năm, chất lượng quả có múi của Lục Ngạn ngày càng tăng, quả ngọt, đượm, nhiều nước, róc múi, màu sắc vỏ quả rất đẹp, trong khi giá thành thấp hơn nhiều so với các loại quả "chính gốc", cho nên càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau mỗi vụ quả, số hộ dân trồng cam, bưởi ở Lục Ngạn có thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng không phải là hiếm. 

Một số hộ doanh thu từ tiền bán quả đạt hơn 4 tỷ đồng. Trước kia, cây vải thiều giúp nhiều người dân Lục Ngạn thoát nghèo và trở thành triệu phú thì nay cây có múi vụ đông ở Lục Ngạn giúp nhiều người dân nơi đây làm giàu, trở thành tỷ phú. Cây trái từ các vùng miền cả nước đang "đậu" trái ngọt trên vùng đất này. Trên "vương quốc" vải thiều, cam, bưởi đang thật sự lên ngôi.

"Huyện chỉ đạo sát sao việc phát triển diện tích cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có múi nhằm hạn chế tình trạng phát triển ồ ạt. Chú trọng tập trung vào các vùng trọng tâm, trọng điểm để khẳng định thương hiệu, bảo đảm cho cây ăn quả Lục Ngạn được thị trường chấp nhận, tin dùng" -ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Ðinh Mạnh Nhâm, thôn Kim Thạch (xã Thanh Hải, Lục Ngạn), một trong những hộ đầu tiên của huyện đưa cây bưởi Diễn về trồng từ 12 năm trước. Ông Nhâm nhớ lại, thời điểm đó, ông chặt bỏ hơn hai ha vải thiều để trồng 200 cây bưởi Diễn. Lúc đó, giá vải đang ổn định ở mức 15 nghìn đồng/kg cho nên nhiều người nhìn ông lắc đầu, thương hại. Sự "dũng cảm" của ông Nhâm đến giờ được đền đáp bằng nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. 

Ở xã Thanh Hải, cũng có khoảng 10 người chuyển đổi cây trồng như ông Nhâm, đến nay đều là những tỷ phú từ cam, bưởi. Ông Nhâm cho biết, trồng cây có múi quan trọng nhất là am hiểu kỹ thuật, các loại cây này khá "khó tính" cho nên không phải ai cũng trồng thành công loại cây này. Do áp dụng đúng, đủ cho nên vườn cam, bưởi nhà ông luôn có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon không thua kém quả chính gốc. Vụ bưởi Tết vừa qua, vườn của ông Nhâm thu hơn 10 nghìn quả, theo thời giá ước đạt 300 triệu đồng. Ngoài ra, số tiền bán cây giống cũng mang về cho gia đình ông từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Từ thành công của ông Nhâm, đến nay, xã Thanh Hải đã trồng được 132 ha (trong đó hai phần ba đã cho thu hoạch, doanh thu ước đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm), chiếm khoảng 20% số diện tích cây ăn quả toàn xã.

Tránh tăng trưởng nóng, phá vỡ quy hoạch

Bài học từ cây vải thiều mấy năm trước do phát triển ồ ạt dẫn đến sản lượng, chất lượng kém, ảnh hưởng giá trị thương hiệu vải thiều Lục Ngạn khiến địa phương phải kêu gọi người dân chặt bỏ những diện tích không hiệu quả. 

Nhắc lại chuyện này, một lãnh đạo huyện Lục Ngạn lý giải: Thời điểm cây vải thiều đang "lên ngôi", khoảng 20 năm về trước, do quy hoạch của huyện còn chậm, trong khi người dân tự do trồng ồ ạt cho nên diện tích trồng vải tăng nhanh. Nay giá trị cây vải đã ổn định và có phần sụt giảm, người dân lại có tâm lý bỏ cây vải, trồng cam, bưởi. Ðiều này rất dễ dẫn đến sự tăng trưởng nóng, không những ảnh hưởng về giá trị sản phẩm mà còn liên quan tới chất lượng cuộc sống người dân do dư lượng thuốc trừ sâu sử dụng cho loại cây này rất nhiều. Nếu không được quy hoạch cụ thể, chi tiết, địa phương sẽ khó quản lý về diện tích trồng cây cũng như chất lượng quả.

"Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp như liên kết "4 nhà", xây dựng chuỗi giá trị cho cây ăn quả theo hướng bền vững, đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá, kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; xóa bỏ rào cản đối với sự phát triển của nông sản như nguyên liệu, giống, sức cạnh tranh về giá, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…" - ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn Tăng Văn Huy hiện nay, không chỉ ở Thanh Hải, một số xã khác như Hồng Giang, Tân Quang, Phượng Sơn, Nghĩa Hồ, thị trấn Chũ... cũng phát triển mạnh cây ăn quả có múi. Riêng diện tích trồng bưởi Diễn đạt khoảng 1.137 ha (trong đó có khoảng 600 ha cho thu hoạch), tăng 534 ha so với năm 2015, năng suất bình quân 12 tấn/ha. Diện tích cam đường Canh tăng nhẹ hơn do yêu cầu cao về kỹ thuật cũng như vốn đầu tư đối với loại cây này khiến ít người trồng hơn. 

Theo quy hoạch vùng trồng cây có múi, Lục Ngạn tập trung nhiều vào các khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi, người nông dân có kinh nghiệm, kỹ thuật cao bao gồm các xã nêu trên, đồng thời khuyến cáo hạn chế phát triển tự do vùng trồng mới. Cùng đó là công tác kiểm soát chất lượng, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cũng được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, ngành công thương và huyện Lục Ngạn đặc biệt quan tâm. 

Hiện nay, trái cây có múi trồng ở Lục Ngạn, nhưng vẫn phải để kèm tên ở địa danh cũ (như: bưởi Diễn, cam đường Canh, cam Vinh,…) do chưa có thương hiệu riêng. Việc xây dựng thương hiệu cho trái cây Lục Ngạn có lẽ cần thời gian để tự khẳng định chất lượng cũng như sự kiểm chứng từ thị trường. Với những chỉ số giá trị hiện có, cũng như quyết tâm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân, điều này có lẽ không phải là mong ước quá xa vời.

Theo Nam Phong/ND

1328 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23117347
Lượt truy cập