Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp 

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16-8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sáng tạo, sản xuất hiện đại. Năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng lên, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, góp phần cải thiện đời sống dân cư nông thôn
Bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp

ăng năng suất, ít sâu bệnh

Nhiều người không khỏi bất ngờ khi tại thôn Giữa, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) xuất hiện một nhà màng kiên cố trồng dưa lưới nổi bật giữa vùng đồng ruộng vốn chỉ cấy lúa. Chủ nhân của mô hình là chị Đặng Thị Kim Loan. Là kế toán cho một số công ty nhưng do yêu thích nghề nông, chị đã lặn lội vào Sài Gòn học hỏi kinh nghiệm trồng dưa. Có kiến thức, chị áp dụng ngay tại quê nhà. 

Thăm khu sản xuất dưa lưới với diện tích hơn 2 nghìn m2 vào một ngày tháng 7, trời mưa rất to nhưng nơi đây vẫn khô ráo, cây trồng không bị tác động bởi thời tiết. Ấn tượng hơn cả là toàn bộ dưa được trồng trong giá thể hữu cơ đặt trên nền bạt trắng. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động đến từng gốc. Mỗi cây dưa có một quả, đều tăm tắp theo từng luống. Chị Loan cho biết: “Trồng dưa trong nhà màng hầu như không có sâu bệnh, ngăn được côn trùng gây hại. Dự kiến, vụ đầu tiên này tôi thu được 5 nghìn quả”.

Ở huyện Việt Yên, gia đình ông Hoàng Cao Tuấn, thôn Hà, xã Việt Tiến thu được kết quả cao khi sản xuất trong nhà lưới. Ông cho biết: “Dưa lê thường hay bị sâu bệnh nhưng khi trồng trong nhà lưới, tôi hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà cây vẫn cho nhiều quả, vị ngọt đậm”.

Tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được hơn 70 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC sản xuất hiệu quả. Giá trị trên một đơn vị diện tích bình quân từ 700 triệu đồng-1,2 tỷ đồng/ha/năm, tăng gấp 1,5-2 lần, thu nhập của người sản xuất tăng 30-40% so với năm 2016. Năng suất cây trồng, vật nuôi tăng 20-25% so với năm 2016, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020.

Quy hoạch vùng, sản xuất theo chuỗi

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt, điển hình như: Mô hình rau an toàn đạt 175%; mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học đạt 344% so với kế hoạch; mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn vượt 50% với mục tiêu đề ra.

Nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, ngày 16-8-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể. 

Ngoài quy hoạch của tỉnh, các huyện, TP lập quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; lựa chọn địa điểm sản xuất để xây dựng các mô hình ứng dụng CNC. Nhờ vậy, nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh bước đầu phát triển tích cực, tạo bước tiến mới, giảm phụ thuộc vào thời tiết. 

Quy mô chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo quy trình VietGAP ngày càng mở rộng; nhiều phương pháp canh tác hiện đại thông qua nhà màng, nhà lưới, nhà lạnh. Trên lĩnh vực thủy sản đã áp dụng sản xuất cá giống rô phi đơn tính theo công nghệ sử dụng hormone chuyển đổi giới tính.

Mặc dù vậy, khảo sát tại một số mô hình CNC của tỉnh cho thấy cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán và chậm nhân ra diện rộng; chưa mang tính hệ thống, mới áp dụng ở một số khâu trong quá trình sản xuất; việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học để sản xuất các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. 

Đáng chú ý, hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn mang tính hình thức. Ví như hộ ông Hoàng Cao Tuấn, thôn Hà, xã Việt Tiến đầu tư làm nhà lưới trồng rau màu song sản phẩm vẫn bán tự do trên thị trường. Còn chị Đặng Thị Kim Loan, xã Đoan Bái chia sẻ: “Đầu tư vào khu sản xuất hàng tỷ đồng nhưng sản phẩm chưa có hợp đồng bao tiêu. Tôi đang liên hệ tìm mối tiêu thụ”. Việc lực chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất của một số mô hình chưa phù hợp, chưa tương xứng với mức đầu tư dẫn tới hiệu quả thấp.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Qua thực tế triển khai, chúng tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm. Muốn đẩy mạnh ứng dụng CNC trong nông nghiệp trước hết cần quy hoạch, xây dựng và tổ chức thành vùng tập trung, có mục tiêu, định hướng rõ ràng; phải có sự gắn kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để hình thành chuỗi liên kết ổn định”.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng CNC là xu thế tất yếu. Xác định tầm quan trọng này, để khắc phục những bất cập, theo ông Tùng, thời gian tới, ngành tham mưu chính sách khuyến khích và quảng bá tiềm năng thế mạnh của tỉnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC. Xây dựng cơ chế về tích tụ đất đai, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất. Định hướng người dân lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với công nghệ, mang lại hiệu quả cao nhất.

                                                                                                                     Báo Bắc Giang

1073 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
22867130
Lượt truy cập