Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Cam Canh Lục Ngạn: Được mùa mà kém vui 

Nhiều năm trước, hàng trăm nhà vườn Lục Ngạn (Bắc Giang) thu bộn tiền sau vụ cam Canh được mùa, được giá. Tuy nhiên, năm 2015, giá sản phẩm giảm mạnh so với năm trước, đây cũng là vụ đầu tiên có tình trạng này kể từ khi cam Canh bén rễ trên đất vải thiều khiến các chủ vườn kém vui.
Cam Canh Lục Ngạn: Được mùa mà kém vui

 

Ngỡ ngàng giá cam

Dày công chăm sóc nên vườn cam Canh của gia đình anh Trần Văn Hiếu, thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang sai trĩu cành. Khi vỏ quả chớm vàng, nhiều thương nhân đã khảo sát và đặt cọc mua cả vườn với giá bình quân 50 nghìn đồng/kg.

Thời điểm cam được thu thì giá quả trên thị trường giảm mạnh, thương nhân thua lỗ đã chấp nhận bỏ cả tiền đặt cọc. Xô đi, bù lại anh Hiếu chỉ bán được với giá khoảng 25 nghìn đồng/kg. “Đầu vụ, cam đẹp ở mức 50-55 nghìn đồng/kg. Thế mà chỉ sau một tuần, giá cam chỉ bằng một nửa khiến tôi tiếc đứt ruột, giá như hái cam bán sớm hơn thì tốt”- anh Hiếu chia sẻ.

Tương tự, với suy nghĩ quả bán vào dịp cận Tết sẽ có giá cao nên ông Trần Văn Bảo, thôn Trường Sinh, xã Tân Quang dành cả vườn bán Tết. Ai dè, càng về sau cam Canh càng mất giá. Hơn nữa, thời tiết mưa nhiều, xuất hiện sương muối làm quả sạm đen, thối hỏng. Gia đình ông Bảo phải thuê người vặt, loại bỏ quả bị bệnh nhằm tránh lây lan. Giá cam xuống thấp, ông Bảo sốt sắng mời gọi tư thương đến thu mua nhưng mãi mới có khách hỏi. Ông Bảo buồn bã: “Sản lượng cam đạt hơn 12 tấn, nếu như giá bán bằng mức đầu vụ thì gia đình tôi đã có ngót 600 triệu đồng rồi. Năm 2015 tổng thu nhập từ cam chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái”.

Theo một số nhà vườn tại xã Hồng Giang, có thể kích thích quả chín sớm mà vẫn bảo đảm độ ngọt bằng cách tăng cường bón kali vào thời điểm quả già để bán sớm, rải vụ.

Tiêu thụ gặp khó, những thương nhân thâm niên nhiều năm buôn hoa quả cũng chẳng mặn mà với nghề. Anh Nguyễn Văn Chính, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn, người chuyên mua gom cam cung cấp cho thị trường Hà Nội, Quảng Ninh cho biết: “Hàng không chạy, có khi bán ra chẳng bằng giá mua vào. Cộng với tỷ lệ quả bị thối hỏng trong quá trình vận chuyển khiến một số chuyến lỗ nặng, khi cam xuống giá tôi không mua nữa”. Mùa thu hoạch cam chính vụ vừa qua tại các xã đã vắng bóng thương nhân, không còn cảnh người xe tấp nập như trước.

Khảo sát tại các địa bàn trồng cam Canh khác của huyện, tình hình tiêu thụ cam cũng kém vui so với trước. Ở xã Mỹ An, cam Canh giá 16-18 nghìn đồng/kg; xã Quý Sơn, Tân Mộc 20 nghìn đồng/kg; xã Phì Điền từ 15-25 nghìn đồng/kg. Giá bình quân như trên chỉ bằng nửa, thậm chí 1/3 so với năm trước, một lượng nhỏ chỉ 4-5 nghìn đồng/kg mà chẳng có người mua khiến các chủ hộ trồng cam ngỡ ngàng.

Cung vượt cầu

Nguyên nhân của tình trạng trên là do mấy năm trước, cam Canh được giá, thu nhập cao nên người dân nhiều xã ồ ạt phá vải trồng cam. Chị Đặng Thị Minh Huệ, cán bộ khuyến nông xã Tân Quang nói: “Ngày đêm người dân cuốc hố, làm đất ở chân ruộng trồng màu để trồng cam. Dù chính quyền sở tại đến can ngăn, thậm chí giữ máy móc nhưng tối đến họ lại huy động nhân lực trồng cam thâu đêm, đến sáng đã thành những ruộng cam Canh”. Cũng theo chị Huệ, có hộ còn đầu tư mua hẳn cây giống được 2-3 năm tuổi từ Hưng Yên với giá bình quân 400-500 nghìn đồng/cây để trồng cho nhanh ra quả.

Với cách làm trên, diện tích, sản lượng cam Canh toàn huyện tăng mạnh. Ước tính của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năm 2015, sản lượng cam Canh Lục Ngạn đạt hơn 9 nghìn tấn, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong nước phát triển cam Canh và thu hoạch trùng vào thời điểm với cam ở Lục Ngạn khiến cung vượt cầu. Do ảnh hưởng của thời tiết nên quả bộp, quả kém chất lượng chiếm tỷ lệ cao dẫn đến giá bán giảm mạnh.

Theo ông Trần Đức Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Quang, tỷ lệ quả loại 1 toàn xã chỉ đạt 20%. Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân xã Hồng Giang cũng nhận định tỷ lệ quả bán được giá 40-50 nghìn đồng/kg trong xã chiếm không quá 30%. Thế nên, điểm dịch vụ rau quả hay trên sạp hàng chợ cóc ở đầu đường, ngõ hẻm từ thành thị đến nông thôn đều bán cam Canh. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ bởi cách đó một năm cam Canh là mặt hàng cao cấp, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có giá bán cao ngất ngưởng, chỉ hộ có điều kiện mới dám mua.

Không mở rộng diện tích

Trước vụ trồng cam kém vui, trao đổi với ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện được biết, dù giá cam Canh giảm nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn so với vải thiều. Thời gian tới, huyện sẽ có văn bản gửi các xã chỉ đạo không mở rộng diện tích cam Canh mà tập trung vào một số cây như bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi đào đường, quýt đường để đa dạng sản phẩm.

Thế nhưng, trong khi cấp trên chưa có văn bản thì ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều hộ đã mở rộng diện tích cam. Riêng tại xã Hồng Giang, từ đầu năm đến nay có hơn 30 ha trồng mới, xã Tân Quang gần 20 ha. Tương tự, tại các xã Quý Sơn, Giáp Sơn, Mỹ An không ít nhà vườn đang lên luống, đào rãnh trồng cam Canh. Nhiều điểm bán giống cam Canh tại Lục Ngạn vẫn tấp nập người mua, những chiếc xe máy chở nặng sọt giống cung ứng cho các nhà vườn.

Một điểm đáng lưu ý là trong Đề án phát triển cây ăn quả của huyện đến năm 2020 dự kiến diện tích cam Canh vào khoảng gần 1,2 nghìn ha. Đến hết năm 2015, diện tích cam của Lục Ngạn mới có hơn 800 ha mà sản phẩm đã khó bán. Như vậy, cách tính toán, định hướng của cơ quan chuyên môn ở huyện Lục Ngạn chưa sát. Thêm vào đó, khi giá cam rẻ, nhiều nhà vườn sẽ có tâm lý bỏ mặc, không sát sao nên nguy cơ cao xuất hiện sâu bệnh và lây lan rộng đến các hộ khác. Cam là cây trồng khó tính, đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ, dễ nhiễm bệnh vàng lá vi rút. Điển hình, có hộ tại thôn Hắng, xã Hồng Giang đã phải chặt bỏ hơn 800 cây cam Canh bị bệnh.

Cam Canh hiện vẫn chỉ tiêu thụ nội địa, chủ yếu dùng để ăn tươi. Một bài toán đơn giản, 1 ha cam Canh đầu tư giống khoảng 300-400 triệu đồng. Sau 2 năm cây mới cho thu, mỗi năm tiền thuê nhân công chăm sóc, vật tư mất khoảng 30 triệu đồng/ha, tức chi phí gần 500 triệu đồng từ khi trồng đến thu hoạch.

Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất cam đạt hơn 10 tấn/ha, giá bán bình quân 20 nghìn đồng/kg thì mới thu được hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, rất nhiều nơi trong tỉnh và cả nước đang phát triển mạnh cam Canh thì sau 2 năm nữa, nguồn cung rất lớn, giá cam sẽ giảm. Do vậy, nếu không quản lý, giám sát tốt, định hướng phát triển phù hợp thì nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo bởi trồng Cam.

Từ thực tế trên, UBND huyện Lục Ngạn cần kiểm soát chặt chẽ, cảnh cáo ngăn chặn kịp thời việc mở rộng diện tích cam Canh. Đơn vị chuyên môn nghiên cứu, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc để nâng cao chất lượng quả, đồng thời rải vụ để giảm áp lực tiêu thụ.

 

Sưu tầm by NTH: Nguồn Báo Bắc Giang

93303 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23116245
Lượt truy cập