Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Nông sản Việt cần cải thiện hình ảnh 

Không chỉ nâng cao chất lượng, nông sản Việt Nam xuất khẩu còn phải truyền thông cải thiện hình ảnh với người tiêu dùng nước ngoài
Nông sản Việt cần cải thiện hình ảnh

Ngày 30-3, tại TP HCM, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn chính sách thương mại với chủ đề: “An toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nhận xét những năm qua, nông sản thực phẩm Việt Nam đã xuất sang nhiều nước, kim ngạch đạt 22,2 tỉ USD nhưng cùng với đó cũng phát sinh những vấn đề như hàng bị cảnh báo, trả về, nước ngoài tăng cường biện pháp kiểm soát. Nhiều khách hàng có ấn tượng không tốt về nông sản thực phẩm Việt Nam do việc nuôi trồng chưa kiểm soát được hóa chất, kháng sinh.

Bà Miriam Garcia-Ferrer, Tham tán thứ nhất Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), dành nhiều thời lượng nói về thủy sản Việt Nam. Theo bà, EU là thị trường nhập khẩu nông lâm sản thực phẩm lớn nhất thế giới nên không có chuyện làm khó nhà nhập khẩu nhưng có yêu cầu cao về chất lượng nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thực tế, những quy định của EU không quá phức tạp như nhiều nhà xuất khẩu vẫn nghĩ và nếu đáp ứng được yêu cầu của EU thì có thể dễ dàng thỏa mãn những yêu cầu của các thị trường khác trên thế giới. Như nhóm mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống, Việt Nam đã có những DN nằm trong danh sách được EU phê duyệt nhập khẩu nhưng sau đó bị cấm vì khi hàng sang thì kiểm tra không đạt. “Do đó, không phải EU cấm cửa hàng Việt mà chính các bạn đã tự loại mình. Nếu muốn tiếp tục, Việt Nam phải sớm khắc phục theo yêu cầu” - bà Miriam Garcia- Ferrer khuyến cáo.

Một ví dụ khác được bà Miriam Garcia-Ferrer đưa ra là sản phẩm cá tra Việt Nam đã bị một số siêu thị của Pháp ngưng kinh doanh không phải vì vi phạm an toàn thực phẩm mà do nghi vấn về vấn đề môi trường. “Tuy nhiên, tôi đã đi thực tế tại các tỉnh ĐBSCL và thấy nhiều mô hình sản xuất cá tra bền vững nhưng những điều này người tiêu dùng EU không biết. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông cải thiện hình ảnh cá tra bằng những câu chuyện tích cực về một nước thu nhập trung bình, người dân ngày càng khó tính hơn trong đòi hỏi chất lượng, quan tâm đến môi sinh...” - bà tham tán khuyến nghị.

Ngoài ra, Việt Nam nên tăng cường quảng bá các sản phẩm chất lượng cao với các tiêu chuẩn tự nguyện cao hơn yêu cầu của luật pháp như sản phẩm hữu cơ, phát triển bền vững, thương mại công bằng,... và người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao 2-3 lần.

Trước đó, tại hội thảo về phát triển cá tra bền vững, dự án do EU tài trợ 80%, một nghiên cứu về người tiêu dùng Áo cho thấy 48% có ấn tượng không tốt về cá tra Việt Nam vì những nguyên nhân như: sản phẩm sản xuất hàng loạt, nghi vấn về hóa chất, kháng sinh... nên cần phải có các hoạt động truyền thông để người tiêu dùng EU hiểu đúng về quy trình sản xuất cá tra tại Việt Nam.

Trao đổi với báo chí về việc chống lại truyền thông quốc tế bôi bẩn, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng chỉ VASEP thôi chưa đủ mà cần sự kết nối với các địa phương, các ao nuôi, nơi thực hiện giai đoạn nuôi trồng. Một vấn đề khác là giữa lúc những thị trường truyền thống như Mỹ, EU gặp khó thì cá tra lại phát triển nóng ở thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng dự báo lên đến 30%. Theo ông Hòe, nên nhìn nhận với cá tra, Trung Quốc có nhu cầu thật sự. Vấn đề là Việt Nam phải kiểm soát chất lượng cá tra xuất khẩu đi Trung Quốc kể cả đường tiểu ngạch và chính ngạch để giữ uy tín trên thị trường.

 

                                                                                                                                                                                                                              Nguồn: SGGP

46248 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
22594356
Lượt truy cập