Gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện Yên Thế
Huyện xác định phát triển nông, lâm nghiệp là chủ đạo và theo hướng phát triển xanh, bền vững; đồng thời quan tâm hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến; thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững… Với những quyết liệt, tích cực trong chỉ đạo, điều hành; sự cố gắng vươn lên và tích cực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp; những năm gần đây huyện Yên Thế được đánh giá là một trong những huyện của tỉnh Bắc Giang đạt được khá nhiều thành tựu trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp với những sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng được thị trường trong và ngoài nước biết đến
Hiện nay toàn huyện duy trì ổn định trên 4 triệu con, cơ cấu giống gà theo hướng đa dạng sản phẩm; hằng năm cung cấp ra thị trường 10-12 triệu con, sản lượng trứng đạt khoảng 10 triệu quả, với gần 4.000 hộ chăn nuôi thường xuyên, quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên. Từ nhiều năm nay đã hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi Gà đồi tập trung với quy mô lớn, chất lượng không ngừng được nâng lên. Nhãn hiệu chứng nhận Gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước: Trung Quốc, Lào và Singapore. Năm 2022 được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận Gà đồi Yên Thế là món ăn được chọn vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2021-2022) trong Hành trình tìm kiếm quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam.
Một số sản phẩm đặc trưng khác của huyện như:
Dê thương phẩm chất lượng cao và xây dựng thành công Nhãn hiệu tập thể “Dê núi Hồng Kỳ”; tổng đàn dê trên địa bàn huyện duy trì khoảng 10.000 con, hằng năm xuất bán gần 800 tấn dê thương phẩm phục vụ các thị trường lớn như: Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng...;
Về sản phẩm chè: của huyện trên 500 ha tập trung chủ yếu tại xã Xuân Lương, xã Canh Nậu; sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt gần 5.000 tấn/năm, với nhãn hiệu chứng nhận Chè khô Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp năm 2018; các HTX trên địa bàn cũng đã xây dựng nhãn hiệu riêng như: Chè xanh bản Ven của HTX Thân Trường, chè Thiên Lộc của HTX Hằng Anh... Sản phẩm chè (chủ yếu là chè xanh) được chế biến tại các HTX, tổ hợp tác và các hộ gia đình kết hợp giữa thủ công và cơ giới, giữa công nghệ hiện đại và bí quyết truyền thống của người đồng bào dân tộc vùng Cao Lan (Chè xanh bản Ven). Đây đều là những sản phẩm hấp dẫn, có giá trị sử dụng cao đối với người tiêu dùng.
Về Sản phẩm nhãn chín muộn: Với diện tích gần 500ha, cây Nhãn được xác định là một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện, sản lượng năm 2022 đạt trên 2.500 tấn, trong đó chủ yếu là diện tích nhãn chín muộn chiếm trên 70% được trồng bằng các giống Miền Thiết, Hà Tây... Năm 2022, sản phẩm nhãn của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KHCN cấp Chứng nhận nhãn hiệu Nhãn chín muộn Yên Thế với vùng sản xuất tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã vùng trồng xuất khẩu đi Oxtraylia; sản phẩm Nhãn chín muộn của huyện đã được xuất khẩu đi Oxtraylia và được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.
Đến nay huyện đã có 23 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong đó 04 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao; nhóm sản phẩm chế biến từ gà đồi Yên Thế chiếm số lượng lớn nhất với các sản phẩm Giò gà, xúc xích gà, chả gà; đặc biệt, năm 2022 sản phẩm OCOP về Du lịch sinh thái - Văn hóa bản Ven được công nhận là sản phẩm đạt 3 sao, đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Giang về lĩnh vực du lịch đạt sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, Gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng cũng là một trong những thế mạnh của huyện: Với diện tích rừng trồng kinh tế trên 14.000 ha, trong đó 2.300 ha đã được cấp chứng chỉ rừng quốc tế (FSC); sản phẩm gỗ rừng trồng của huyện đã được sơ chế, chế biến đa dạng sản phẩm như ván ép, viên nén để xuất khẩu,...; Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao; hàng năm cung cấp ra thị trường 15-20 triệu cây giống các loại chủ yếu là keo lai, bạch đàn giống mới. Đặc biệt huyện cũng đang bắt đầu phối hợp để triển khai thực hiện Đề án “Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang”
Ngoài các sản phẩm chủ yếu trên, huyện còn khá nhiều sản phẩm nông sản đã và đang hình thành, phát triển như: Sản phẩm rau củ quả an toàn (vùng sản xuất Dưa chuột tập trung trên 100ha tại xã Tiến Thắng, Canh Nậu, Tân Hiệp... với sản lượng hàng năm đạt trên 4.000 tấn); vùng sản xuất thanh long (tại các xã Phồn Xương, An Thượng, Đồng Tâm... với diện tích trên 30ha, sản lượng hàng năm đạt trên 400 tấn); sản phẩm chế biến từ các cây dược liệu như: Cao Xạ đen, Đinh lăng, Cà gai leo, Mật nhân; Mật ong hoa rừng; Cây ăn quả có múi,...
Đối với Gà đồi Yên Thế, đây là một sản phẩm đặc sản nổi tiếng của huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung; phát huy kết quả của nhiều năm qua, với những bài học kinh nghiệm từ thực tế, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia cầm nói chung và trên Gà đồi Yên Thế nói riêng luôn được huyện quan tâm tập trung chỉ đạo. Năm 2020, UBND huyện Yên Thế đã phối hợp với các Cục, Vụ, Viện của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành của tỉnh triển khai và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cat-xơn nhằm xây dựng vùng sản xuất gà đồi của huyện đạt vùng an toàn dịch bệnh. Sau gần 2 năm tập trung quyết liệt, đến nay huyện Yên Thế đã Cục Thú Y- Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp Chứng nhận huyện Yên Thế - tỉnh Bắc Giang là vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn và là huyện đầu tiên của Miền Bắc đạt vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà.
Huyện Yên Thế, với những sản phẩm thế mạnh, vùng sản xuất các sản phẩm có chất lượng, Huyện cam kết luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác đầu tư sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn huyện.
N.V.Thọ - Phòng KHTC – tổng hợp