Đề tài trên được UBND tỉnh phê duyệt từ đầu năm 2016 do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN) chủ trì thực hiện đến năm 2019. Tổng kinh phí khoảng 22 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và đối ứng của doanh nghiệp. Trung tâm đã khảo sát, lựa chọn và thực hiện mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) với diện tích 20 ha.
Dây chuyền công nghệ bảo quản vải tươi được chế tạo, thử nghiệm, kiểm chứng và được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, giúp giữ nguyên màu đỏ tự nhiên của vỏ quả trong 4 - 5 tuần, giữ hương vị cùi quả, công suất bảo quản 70 tấn/giờ. Theo báo cáo của Trung tâm, đến nay đã quá hạn hợp đồng nhưng Công ty Toàn Cầu vẫn chưa nhập khẩu được dây chuyền do đối tác nước ngoài sản xuất và vận chuyển đến cảng Hải Phòng (Việt Nam) chậm. Vụ vải này, Công ty Toàn Cầu sẽ khó có thể vận hành dây chuyền theo tiến độ đề ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Thái yêu cầu Sở KH&CN chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đôn đốc Công ty Juran đẩy nhanh việc cung cấp dây chuyền bảo quản quả vải tươi và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu cho Công ty Toàn Cầu theo hợp đồng đã ký. Phối hợp với Công ty hoàn thiện thủ tục pháp lý tiếp nhận dây chuyền, bảo đảm lắp đặt và vận hành thử nghiệm trong thời gian sớm nhất. Trường hợp có vướng mắc khẩn trương báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ.
Về phía Công ty Toàn Cầu cần sớm rà soát, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất như: Nhà xưởng, nơi tập kết nguyên liệu, kho lạnh để lắp đặt, vận hành thử nghiệm dây chuyền. Đồng chí yêu cầu UBND huyện Lục Ngạn kiểm tra, tạo điều kiện về mặt bằng cho Công ty Toàn Cầu đi vào hoạt động.Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương tổ chức làm việc với UBND các huyện nhằm xây dựng một mô hình liên kết sản xuất rau quả giữa doanh nghiệp này với nông dân.
Nhân dịp này, đồng chí Dương Văn Thái thăm mô hình sản xuất vải thiều an toàn tại xã Quý Sơn./.
(Theo http://baobacgiang.com.vn)