Ngành nông nghiệp nước ta đang tạo ra khoảng 20% GDP và thu hút trên 55% lao động cả nước, với hàng chục triệu hộ nông dân, hơn 10.500 HTX nông nghiệp và hơn 33 nghìn doanh nghiệp (trong đó, có 16 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận) đang trực tiếp sản xuất hơn 70 triệu mảnh ruộng và hàng triệu km2 mặt nước biển, sông, hồ, ao…
Kết quả xuất khẩu nông sản năm 2015 và triển vọng năm 2016
Việt Nam hiện có hàng chục mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực mang tầm vóc thế giới, trong đó xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà phê, sắn đứng thứ hai, cao su đứng thứ tư, thủy hải sản đứng thứ năm, chè đứng thứ bảy thế giới và nhiều mặt hàng khác nữa.
Năm 2010, Việt Nam mới chỉ có 18 thị trường xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 28 thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các thị trường hơn 1 tỷ USD, chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu chung cả nước.
Năm 2015 so với năm 2014, một mặt, do gặp một số khó khăn về thời tiết, nhu cầu và giá cả thị trường khiến giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,04 tỷ USD, giảm 1,9%, giảm mạnh nhất ở các mặt hàng như cà phê (giảm 24,8%), cao su (giảm 13,9%), chè (giảm 6,6%) và gạo (giảm 4,5%); giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16%, giảm mạnh nhất ở ba thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc với mức giảm lần lượt là 23,4%, 13,4% và 12,2%; xuất khẩu thủy sản cả đạt khoảng 6,72 tỷ USD, giảm 14,3%...
Mặt khác, xuất khẩu nông nghiệp có nhiều điểm sáng tích cực, nổi bật là: Tổng giá trị xuất siêu 7,09 tỷ USD (xuất khẩu đạt 30,14 tỷ USD, nhập khẩu đạt 23,05 tỷ USD). Xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 7,23 tỷ USD, tăng 10,2%.
Đặc biệt, có sự cải thiện cơ cấu theo hướng nâng cao tỷ lệ thành phẩm cao cấp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản nông sản xuất khẩu, tiêu biểu là gạo xuất khẩu đạt 6,55 triệu tấn, trong đó, gạo trắng cao cấp và gạo thơm chiếm 47% (gạo trắng cao cấp chiếm gần 28,5%, tăng gần 36,5%, và gạo thơm chiếm gần 23%, tăng gần 18,5%).
Xuất khẩu tiêu 135.000 tấn, đạt 1,26 tỷ USD, giảm 13% về khối lượng, nhưng tăng 5% về giá trị. Xuất khẩu hạt Điều đạt 328.000 tấn, tăng 8,3% về khối lượng và là năm đầu đạt kim ngạch hơn 2,5 tỷ USD (tăng 20,2%) nhờ đầu tư công nghệ chế biến và máy móc thiết bị, tăng năng suất lao động.
Tại một số thị trường mới như Trung Đông, Singapore, lượng tiêu thụ điều Việt Nam cũng tăng đến 80%. Việt Nam hiện đang chế biến tới 50% sản lượng điều xuất khẩu trên thế giới. Nhu cầu xuất khẩu tăng, nhưng sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được 40% nên Việt Nam phải nhập khẩu tới 60% từ châu Phi, Indonesia về chế biến.
Một thuận lợi cho ngành điều là hầu hết 11 nước thành viên TPP đều có nhu cầu cao nhập khẩu điều của Việt Nam. Nếu theo đúng cam kết, khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu điều vào các thị trường này giảm từ 2 - 5% xuống còn 0% sẽ khiến điều Việt Nam tăng sức cạnh tranh….
Năm 2016, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc hơn do nhu cầu thị trường tăng, cải thiện cơ cấu sản phẩm, mở rộng áp dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp và có thêm các xung lực từ ưu đãi thuế theo lộ trình triển khai các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại tự do mới…
Dù còn không ít khó khăn, nhưng nhiều mặt hàng sẽ tăng xuất khẩu như: gạo, hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn và rau, quả. Dự kiến, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 6,4 triệu tấn (trong đó sản lượng khai thác 2,7 triệu tấn và sản lượng nuôi trồng 3,7 triệu tấn), cung cấp nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu 7,6 tỷ USD.
Định hướng thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2016 sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm bao gồm Hoa Kỳ, thị trường châu Âu, ASEAN, Nga và các nước Đông Âu, Trung Quốc, châu Phi. Hoa Kỳ và EU sẽ là các thị trường dẫn đầu về nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam (gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, hạt tiêu, cà phê và sản phẩm mây tre, cói thảm, cao su, chè và rau quả…).
Sức hấp dẫn của các thị trường này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam chịu nhiều áp lực cạnh tranh xuất khẩu cao vào thị trường này từ Trung Quốc, Thái-lan, Indonesia – những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, còn những rào cản về kỹ thuật, nhất là về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với chè, rau quả, thủy sản, nguồn gốc xuất xứ đối với gỗ và thuế chống bán phá giá tăng cao đối với cá tra, các yêu cầu của Chương trình thanh tra cá da trơn...
Đặc biệt, thực hiện Cộng đồng kinh tế AEC trong ASEAN đang và sẽ tạo điều kiện và thách thức cho hàng hóa của các nước trong khu vực xâm nhập vào thị trường lẫn nhau, trực tiếp gia tăng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trong ASEAN và ngay tại chính thị trường nội địa.
Tại hầu hết các thị trường lớn, xuất khẩu cá tra đều gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu chậm, giá bán không tăng, các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe hơn. Riêng Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng giá trị xuất khẩu giảm liên tiếp ngay từ đầu năm. Dự báo, xuất khẩu cá tra của cả nước trong năm 2016 có thể giảm 5% so với năm 2015, đạt khoảng 1,5 tỷ USD (năm 2015, đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2014).
Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng mới triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra từ Việt Nam. Từ tháng 9-2017, nếu các nước không nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và các chứng minh về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS), thì sẽ không được tiếp tục xuất khẩu.
Những động lực tăng xuất khẩu nông sản bền vững
Động lực hàng đầu cho phát triển và xuất khẩu nông nghiệp sẽ ngày càng đậm hơn và đến cả từ quá trình hội nhập, cũng như thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh liên kết bốn nhà và gia tăng đầu tư, ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào nông nghiệp.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh đầu tư và mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ CAS (Cells Alive System) - công nghệ đông lạnh nhanh kết hợp từ trường - giúp bảo quản rau quả giữ nguyên chất lượng sau một năm thu hái, trạng thái, hương vị, mầu sắc tới 80-90% so với ban đầu, để có thể vận chuyển, tiêu thụ nông phẩm rộng rãi theo giá cao hơn hẳn trong nước ở các thị trường quốc tế xa xôi nhất và nóng bức nhất; giảm tổn thất do hư hỏng và tình trạng bị ép giá bán thấp, chấm dứt cảnh “được mùa rớt giá”, “trồng rồi chặt” như một điệp khúc buồn kéo dài bấy lâu nay.
Nếu được hỗ trợ vốn để các cơ sở mở rộng năng lực bảo quản nông sản bằng công nghệ này cho các địa phương trên cả nước, không cần vận chuyển xa từ nơi sản xuất đến cơ sở xử lý CNC, thì chắc chắn sẽ tạo ra vận hội mới cho ngành kinh doanh hoa quả Việt Nam.
Động lực phát triển và xuất khẩu nông nghiệp cũng đến từ đẩy mạnh công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản; tăng cường phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương, trong đó có hệ thống Thương vụ tại nước ngoài; Xây dựng mạng lưới thông tin thông suốt, thúc đẩy quan hệ, khâu nối xuất - nhập khẩu nông - lâm - thủy sản, kết nối giữa các thị trường với Việt Nam; nâng cao năng lực cập nhật và vượt qua các rào cản kỹ thuật, kịp thời xử lý các tranh chấp phát sinh trong thương mại nông - lâm - thủy sản; tổ chức các sự kiện, diễn đàn xúc tiến thương mại các mặt hàng nông - lâm - thủy sản và xúc tiến đầu tư vào ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện tốt vai trò thông tin về thực hiện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam với các đối tác song phương và đa phương.
Thúc đẩy thực hiện các thỏ thuận hợp tác, các điều ước quốc tế về hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn đã ký kết giữa Việt Nam và các nước, đa dạng hóa thị trường, giữ vững và khai thác hiệu quả thị trường truyền thống, phát triển các thị trường khó tính, chú trọng các thị trường tiềm năng,
Để có thể thành công trên từng thị trường hàng nông - thủy sản, phải tìm hiểu kỹ từng đặc tính riêng của các thị trường phù hợp với tính chất từng thị trường, nhất là đặc điểm khí hậu, quy mô thị trường, đặc tính tiêu dùng và văn hóa; nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu.
Thực tế cũng cho thấy, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Liên kết “bốn nhà” trong chuỗi giá trị còn chưa chặt chẽ; các dịch vụ đầu vào cho sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa phát triển đồng bộ, thuận lợi và hiệu quả; còn nhiều hạn chế trong đổi mới cơ cấu giống và ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, năng suất và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về các rào cản kỹ thuật và thương mại; thời tiết cực đoan và thách thức từ biến đổi khí hậu, gia tăng hạn hán và xâm nhập mặn; phụ thuộc đầu vào và đầu ra; nền tảng công nghệ thấp, nhất là bảo quản và chế biến xuất khẩu; vệ sinh an toàn thực phẩm; mô hình sản xuất lạc hậu, thiếu gắn kết và giá trị gia tăng thấp...
Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp và sự chủ động của các ngân hàng trong cung cấp nguồn tín dụng đầu tư cần thiết, Nhà nước cần tập trung nguồn lực từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và phối hợp với các nguồn lực khác, khuyến khích hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; đầu tư nâng cao năng lực một số viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ ở các vùng, nhằm hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hướng vào các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng, có giá trị cao về kinh tế, đối tượng chính là rau, hoa, quả, chăn nuôi, thủy sản,... phù hợp chủ trương tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, đột phá trong nông nghiệp ứng dụng CNC, trước hết trong bảo quản, bảo đảm được chất lượng và thời gian vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời hiện đại hóa, nâng cấp văn minh thương mại, khắc phục tình trạng bán hàng kiểu đổ đống, không bao bì, nhãn mác, thương hiệu không áp phích, poster giới thiệu… là những động lực mới, mở ra cơ hội mới, kỳ vọng mới phát triển bền vững và hiệu quả hơn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các hệ thống các văn bản, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC và hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch và quản lý sau quy hoạch; tập trung chỉ đạo, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC cho các đối tượng vật nuôi, cây trồng chủ lực, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nghiên cứu, nhập khẩu và chuyển giao các CNC trong nông nghiệp thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển.
Thực hiện các ưu đãi thuế, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ; phát triển các trung tâm và các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý CNC trong nông nghiệp. Các địa phương thuộc quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 (giai đoạn đến năm 2020) cần chủ động huy động nguồn lực, bảo đảm đủ kinh phí đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC;
Từng bước xây dựng và phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; hỗ trợ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, nước và khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp…