Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Đột phá trong nuôi thủy sản hàng hóa ở Bắc Giang: Nhiều “cánh đồng ánh bạc” 

Xác định thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng.
Đột phá trong nuôi thủy sản hàng hóa ở Bắc Giang: Nhiều “cánh đồng ánh bạc”
Đột phá trong nuôi thủy sản hàng hóa ở Bắc Giang: Nhiều “cánh đồng ánh bạc”
Xác định thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng.

Tháo nút thắt  

Bắc Giang là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản đứng thứ hai trong số 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc với quy mô khoảng 12 nghìn ha. Trước đây, do hầu hết các hộ nuôi cá quảng canh bằng những giống cá truyền thống nên năng suất chỉ đạt 1-1,5 tấn/ha/năm, chất lượng cá thương phẩm thấp, không đồng đều do con giống trước khi đưa vào nuôi thả bị dị hình. 

Xác định con giống và kỹ thuật tốt sẽ quyết định phần lớn năng suất, sản lượng nên năm 2011 và 2012, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành hai đề án. Theo đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 10 tỷ đồng. 

Để các đề án được thực hiện đạt kết quả cao, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố lựa chọn hộ, địa điểm triển khai. Đề án "Phát triển trang trại thủy sản thâm canh cao" được thực hiện ở các huyện có lợi thế phát triển thủy sản. Đề án "Nâng cao chất lượng giống thủy sản" triển khai ở 12 cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh. 

"Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để ưu tiên hỗ trợ nhân rộng những vùng thủy sản thâm canh tập trung, đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật nuôi thả cá an toàn, phấn đấu tỷ lệ giống chất lượng chiếm 70-80%" 

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Ông Đoàn Bá Thiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: "Các hộ tham gia được hỗ trợ một phần kinh phí mua cá giống và cá bố mẹ như: Chim trắng, rô phi đơn tính, chép lai ba máu, trôi Ấn Độ thay thế giống cá truyền thống; được hỗ trợ thuốc thú y, cám công nghiệp, chế phẩm EM xử lý môi trường nước ao và hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi thả an toàn, phòng bệnh bằng thảo dược, không sử dụng chất cấm, chất kích thích tăng trưởng làm thức ăn cho cá". 

Cùng với các giải pháp trên, nhiều huyện, thành phố cũng quy hoạch vùng sản xuất thủy sản tập trung; trợ giá cá giống chất lượng; xây dựng mô hình nuôi cá an toàn theo hướng VietGAP ở Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang; hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng nuôi cá, xây dựng làng thủy sản ở huyện Tân Yên; hỗ trợ 8-12 triệu đồng/ha xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản ở huyện Lục Nam. 

Các huyện còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi cá kết hợp cấy lúa. Nhiều hộ, chủ cơ sở sản xuất chủ động đầu tư kinh phí xây hạ tầng ao nuôi, nâng cấp bể, đầu tư dây chuyền ấp nở, ương nuôi, tạo ra con giống tốt cung ứng cho thị trường.

Nhiều vùng nuôi thủy sản thâm canh

Nhờ tích cực thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nên những năm gần đây sản xuất thủy sản trong tỉnh đạt được kết quả vượt bậc, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn tỉnh có 4 nghìn ha nuôi thâm canh và bán thâm canh. Tỷ lệ cá giống chất lượng cũng nâng lên, chiếm 60% cơ cấu tổng đàn. Trong tỉnh đã hình thành nhiều vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung với quy mô 20-50 ha/vùng, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm như ở xã: Minh Đức, Nghĩa Trung (Việt Yên); Ngọc Châu, Cao Thượng, Việt Lập, Song Vân (Tân Yên); Thái Đào (Lạng Giang); Xuân Phú, Lão Hộ (Yên Dũng); Vũ Xá, Yên Sơn (Lục Nam); Hoàng Lương (Hiệp Hòa). 

Tại các vùng nuôi cá thâm canh cao, năng suất cá đạt 12-16 tấn/ha/năm. Nhờ vậy, góp phần nâng sản lượng thủy sản toàn tỉnh năm 2015 lên hơn 31 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay, doanh thu đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng.

Điển hình là huyện Tân Yên hiện có 1 nghìn ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó 800 ha nuôi cá thâm canh cao, sản lượng đạt 7 nghìn tấn, tăng gần 800 tấn so với năm trước. Điểm nhấn trong bức tranh thủy sản nơi đây là đã hình thành 18 vùng nuôi cá tập trung. Ví như xã Việt Lập có 13/13 thôn nuôi cá. 

Anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Đông Khoát cho biết, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua cá giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá thâm canh nên gia đình đầu tư xây bờ bao thành các ô riêng biệt thả cá. Anh Dũng mạnh dạn đưa những giống cá chủ lực như rô phi đơn tính, chim trắng, chép lai vào nuôi thả, thu lãi 300-400 triệu đồng mỗi năm. 

Được biết, ở Việt Lập còn có 350 hộ dân liên kết thành lập HTX chăn nuôi thuỷ sản thâm canh cao với diện tích 150 ha mang lại doanh thu 20 tỷ đồng/năm. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, việc phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa đã góp phần giúp các xã xây dựng nông thôn mới sớm hoàn thành tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

 

Bắc Giang
58331 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23117100
Lượt truy cập