Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Dự thảo sửa đổi Nghị định 109: “Cởi trói” cho xuất khẩu gạo 

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý địa phương đang hồ hởi bởi Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP dự kiến trình Chính phủ trong quý II/2017.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 109: “Cởi trói” cho xuất khẩu gạo

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An - cho biết, về cơ bản, Dự thảo Nghị định thay thế đã khá thông thoáng, giải quyết được vướng mắc trong thời gian qua đối với các đối tượng kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo. Cụ thể, xóa số lượng DN tham gia XK không quá 105 đầu mối; xóa luôn địa bàn đầu tư nhà máy, cơ sở xay xát, thay vì 2 năm phải bảo đảm tối thiểu 20.000 tấn thì nay theo dự thảo mới, nếu 12 tháng mà không XK thì sẽ xem xét.

Bên cạnh đó, quy định máy móc, thiết bị kho chứa 5.000 tấn cũng được thay bằng việc phải bảo đảm theo quy chuẩn kho chứa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định, hướng dẫn.

Ông Hồng cũng nhận định, điều quan trọng hơn là hướng dẫn xây dựng cánh đồng lớn và vùng nguyên liệu an toàn, cũng như tiêu chuẩn quốc gia đối với mặt hàng gạo XK. Do đó, dự thảo nên có hướng dẫn của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT về quy chuẩn, tiêu chuẩn với gạo XK; cần xem xét thực trạng để đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, nguyên Giám đốc Sở Công Thương An Giang - cho rằng, gạo là sản phẩm chủ lực của đất nước nên rất cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện cho DN kinh doanh, do đó dự thảo nghị định mới là hoàn toàn phù hợp.

“Nghị định 109 đưa ra quy mô quá lớn là bất cập, phân định trách nhiệm giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương chưa rõ ràng. Ngoài ra, dự thảo mới cần rà soát lại những đặc thù của vùng miền để có quy định đầu tư, tùy theo chức năng của các DN để quản lý hiệu quả. Quy trình điều kiện kỹ thuật và công nghệ nào thực sự cần thiết mới phải đầu tư nếu không đồng vốn bỏ ra của DN sẽ lãng phí. Tôi mong nghị định mới ra đời sẽ giảm thủ tục và phân cấp cho địa phương để giảm đầu mối” - bà Tuyết nói.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Giám đốc DNTN Phước Thành Bảy Mập - chia sẻ, hiện nay, XK gạo của DN gặp rất nhiều khó khăn bởi áp lực của thị trường và nguồn cung thế giới tăng. Việc Bộ Công Thương đưa ra dự thảo nghị định mới sẽ tạo động lực cho DN, đặc biệt khi xóa bỏ được nhiều rào cản về vùng nguyên liệu, kho chứa, giá sàn…

Theo ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, những quy định mới trong dự thảo rất hợp lý, nhất là việc bỏ giá sàn - điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy XK gạo trong thời gian tới. Đặc biệt, việc DN thông báo hợp đồng XK gạo trên Cổng thông tin Bộ Công Thương là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một điểm chưa hợp lý về việc xử lý DN vi phạm vào thị trường tập trung. Theo tôi, việc Bộ Công Thương và DN nhà nước cứ đàm phán tại thị trường tập trung nhưng không nên cấm các DN làm thương mại đàm phán vào thị trường này.

 

Ngay sau tuyên bố bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 43/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ Biên tập và Ban soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ/CP. Đây được xem là bước tiếp theo trong việc “cởi trói” cho hạt gạo suốt thời gian dài bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục và điều kiện.
 

 

Nguồn: Báo Công Thương

4630 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21793338
Lượt truy cập