Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quý III của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Giang 

Các ngành chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác phối hợp, đấu tranh có hiệu quả, kiểm tra 1.288 vụ, phát hiện, xử phạt hành chính 749 vụ, 745 đối tượng vi phạm. Trong đó: 97 vụ về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 18 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 634 vụ về gian lận thương mại, an toàn thực phẩm và vi phạm khác.
Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quý III của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Giang

Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 18.367.796.000 đồng, cụ thể: Phạt hành chính là 5.345.031.000 đồng; phạt bổ sung truy thu thuế là 12.183.061.000 đồng; bán hàng tịch thu là 839.704.000 đồng; trị giá hàng tiêu hủy là 568.650.000 đồng; trị giá hàng tịch thu (chưa thanh lý) là 669.977.000 đồng.

Trong Quý III, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn có những diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện, bắt giữ, xử lý, tiêu hủy nhiều mặt hàng nhập lậu từ biên giới như: Quần áo may mặc sẵn, đồ điện gia dụng, điện tử, điện thoại, linh kiện - phụ kiện điện thoại, phụ tùng ô tô, hoa quả khô; đồ chơi Trung thu không rõ nguồn gốc, có yếu tố bạo lực như: súng nhựa, kiếm nhựa, mặt nạ kỳ dị… Trên thị trường nội địa tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,... vẫn còn diễn ra, tập trung vào nhóm hàng: Phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, bột ngọt...

Các đối tượng vi phạm sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng, như: Viết hoá đơn bán hàng tại Lạng Sơn nhằm hợp lý hoá hàng nhập lậu trong khâu lưu thông và quay vòng hoá đơn trên đường vận chuyển; viết giá hàng hóa trong hóa đơn thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực của hàng hóa; lợi dụng các doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu nhưng khai không đúng chủng loại số lượng hàng hoá; lợi dụng những địa bàn giáp ranh để sang chuyển hàng hoá; cải tạo, gia cố thành, thùng xe chở khách, xe du lịch để cất giấu, vận chuyển hàng hóa,... Các đối tượng sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất và tiêu thụ hàng ở những địa bàn xa, nơi trình độ dân trí còn thấp. Trên tuyến Lạng Sơn - Hà Nội có một số đối tượng buôn bán các loại bao bì đóng gói phục vụ cho việc làm hàng giả như vỏ túi mỳ chính (nhãn hiệu AJINOMOTO), bao bì các loại mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc.

   

(QLTT Bắc Giang kiểm tra và tiêu hủy hàng hóa vi phạm)

Vụ việc điển hình: Vào hồi 9 giờ ngày 11/8/2016 Đội Quản lý thị trường Chống buôn lậu - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS: 29C-378.81 tại Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Vôi, Lạng Giang, Bắc Giang. Lái xe và chủ hàng là ông Hoàng Văn Hiếu, sinh năm 1978, địa chỉ: Phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Qua quá trình kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 150 tuýp thuốc nhuộm tóc Galamy loại 100 ml/tuýp, 408 lọ thuốc nhuộm tốc oxy milk loại 1.000 ml/lọ và 200 lọ thuốc nhuộm tóc dental whiteng loại 600 ml/lọ. Toàn bộ hàng hóa trên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Đội Quản lý thị trường Chống buôn lậu - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt ông Hoàng Văn Hiếu về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu. Phạt tiền 15.000.000 đồng; buộc ông Hiếu tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên, trị giá hàng tiêu hủy ước tính 85.000.000 đồng./.

                                                                    Thạch Trung Dũng - TGV BCĐ 389 tỉnh

Bắc Giang:  Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhóm mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm là: phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ; măng tươi xông khói lưu huỳnh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, hết hạn sử dụng. Một số hành vi vi phạm là: Sản xuất thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng; sản xuất, tàng trữ, buôn bán bao bì giả của thương nhân khác lừa dối người tiêu dùng, trục lợi bất chính; sử dụng hóa chất bột lưu huỳnh để xông khói măng tươi; kinh doanh phân bón hữu cơ, phân bón vô cơ kém chất lượng - phân bón giả; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; không có hoặc sử dụng giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hết thời hạn; không đảm bảo các điều kiện kinh doanh,…

Các lực lượng chức năng: Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp đã tăng cường phối hợp, chặt chẽ kiểm tra, phát hiện và xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm nêu trên. Góp phần chấn chỉnh tình hình sản xuất kinh doanh nhóm mặt hàng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ổn định thị trường và sản xuất, chăn nuôi của bà con nông dân trong tỉnh.

 

(Ảnh: Quản lý thị trường kiểm tra phân bón)

Tổng số vụ xử phạt vi phạm hành chính là 103 vụ; phạt tiền 811.590.000 đồng; trị giá tang vật vi phạm ước tính 1.100.000.000 đồng. Cụ thể:

Ngành Công Thương:

Chi cục QLTT tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị chức năng phát hiện, xử lý 57 vụ việc vi phạm; phạt vi phạm hành chính 385.790.000 đồng, trong đó một số hành vi vi phạm điển hình như sau:

Đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi: xử phạt 01 vụ (03 hành vi vi phạm) sản xuất, tàng trữ, buôn bán thức ăn chăn nuôi giả, bao bì thức ăn chăn nuôi giả, phạt vi phạm hành chính 110.200.000 đồng; trị giá tang vật vi phạm 968.400.000 đồng.

Đối với mặt hàng phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ: xử phạt 04 vụ, phạt tiền 150.590.000 đồng, trị giá tang vật vi phạm tiêu hủy 58.344.000 đồng, tang vật buộc tái chế trị giá 8.347.500 đồng.

Đối với chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm (dùng lưu huỳnh để xông khói măng tươi): xử phạt 01 vụ, phạt tiền 20.000.000 đồng, trị giá tang vật tiêu hủy 70.000.000 đồng.

Xử phạt hành chính 51 vụ, phạt tiền 105.000.000 đồng đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá (phạt cảnh cáo); kinh doanh không tập huấn kiến thức hàng năm; kinh doanh không có chứng chỉ hành nghề; để lẫn thuốc bảo vệ thực vật với thức ăn chăn nuôi; kinh doanh không có biển hiệu; vụ kinh doanh thuốc BVTV, thuốc thú y không có tên trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam và quá hạn sử dụng. Buộc tiêu hủy 67.050 gói thuốc BVTV, 368 kg thuốc thú y và 12 kg lọ thuốc BVTV không có tên trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam; 13,34 kg và 222 lít thuốc BVTV quá hạn sử dụng.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Xử phạt vi phạm hành chính 46 vụ việc; phạt tiền 425.800.000 đồng; 01 vụ việc vượt thẩm quyền đã chuyển hồ sở sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang.

Đối với công tác lấy mẫu giám định chất lượng vật tư nông nghiệp: 184 mẫu các loại. Kết quả phát hiện 24 mẫu vi phạm. Cụ thể (mẫu vi phạm/mẫu giám định): Giống cây trồng 10/53 mẫu; phân bón 7/40 mẫu; thuốc BVTV 01/20 mẫu; thức ăn chăn nuôi 06/71 mẫu.

Các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc quản lý nhóm mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn:

Thứ nhất: Hiện nay việc chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhìn chung phân tán trên diện rộng, nhỏ lẻ trong dân; không có nhiều các trang trại chăn nuôi, diện tích trồng cây tập trung. Do vậy, có nhiều điểm, hộ kinh doanh bán vật tư nông nghiệp nhỏ, lẻ, hoạt động theo thời vụ; không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, khi đến vụ mới nhập một số ít hàng để vừa bán vừa sử dụng, qua thời vụ lại đóng cửa ngừng hoạt động. Khi phát hiện, xử phạt thì tổng mức phạt cho các hành vi vi phạm rất cao rất khó khả thi. Việc này gây khó khăn cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Thứ hai: Hiện nay, một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có hình thức bán hàng mới là vận chuyển, bán hàng trực tiếp đến các hộ tiêu dùng lớn, hoặc chỉ qua một đại lý phụ trách địa bàn nhiều tỉnh lân cận. Khi doanh nghiệp sản xuất không nằm trên địa bàn tỉnh thì việc kiểm tra chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba: Chi phí kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm cao; người có đủ điều kiện lấy mẫu ở cấp huyện còn thiếu nên hầu hết các vụ việc phát hiện, xử lý đều do các cơ quan cấp tỉnh thực hiện; thời gian trưng cầu giám định có thể kéo dài gần hết thời hạn tạm giữ, xử phạt hành chính; thậm chí có vụ việc cùng mẫu vật nhưng kết quả giám định tại các trung tâm lại rất khác nhau.

Thứ tư: Việc kiểm soát thức ăn chăn nuôi, phụ gia thực phẩm có chất cấm lưu thông trên thị trường là khả thi nhưng việc phát hiện quả tang và chứng minh người chăn nuôi sử dụng chất cấm tại chuồng, trại; người sản xuất thực phẩm sử dụng chất cấm để chế biến thực phẩm trong kho, xưởng, nhà máy sản xuất là rất khó khăn.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm bình ổn thị trường, tạo thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi và bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Một số vụ việc điển hình:

1. Ngày 17/3/2016, Đội Quản lý thị trường Chống buôn lậu phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang và Đội quản lý thị trường số 9 tiến hành kiểm tra Công ty TNHH và DV Quyền Hưởng, phố Bùi, Cao Thượng, Tân yên, Bắc Giang. Tại thời điểm kiểm tra Công ty TNHH TM và DV Quyền Hưởng sản xuất đóng gói cám tinh Công ty TNHH sản xuất bột mỳ Vimaflour nhà máy KCN cái lân Quảng Ninh Việt Nam có dấu hiệu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT số 9 Tân yên đã thiết lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH TM và DV Quyền Hưởng với các hành vi VPHC như sau:

Hành vi VPHC thứ nhất: Chế biến, đóng gói hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo. Xử phạt VPHC: 108.000.000 đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm: 69.440.000 đồng;

Hành vi VPHC thứ hai: Buôn bán bao bì giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì của thương nhân khác. Xử phạt VPHC: 700.000 đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm: 968.400 đồng;

Hành vi VPHC thứ ba: Tàng trữ để bán bao bì mang nhãn hiệu giả mạo. Xử phạt VPHC: 1.500.000 đồng.

(Tổng mức phạt của 3 hành vi nêu trên là: 110.200.000 đồng)

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc Công ty TNHH TM và DV Quyền Hưởng tiêu hủy 273 chiếc vỏ bao giả mạo nhãn hiệu các loại. Số nguyên liệu, tang vật dùng để đóng gói thức ăn chăn nuôi giả gồm: 4,5 kg dây khâu bao, 02 chiếc cân các loại, 01 máy khâu bao, 01 chiếc xúc cám inoc, 3.250 kg bột sắn, 2.400 kg bột chấu nghiền, 01 chiếc máy nghiền liên hoàn đang chờ Hội đồng xử lý theo quy định.

2. Ngày 14/4/2016, Đội QLTT Chống hàng giả, Chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với Phòng CSPCTP về môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang, kiểm tra Cơ sở kinh doanh phân bón của ông Dương Văn Pha, địa chỉ: TT. Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Kết quả kiểm tra đã phát hiện cơ sở kinh doanh trên có bán các loại phân bón gồm: Phân bón NPK 5-10-3 ngày sản xuất 16/01/2016, số lượng: 320 bao (loại 25kg/bao) = 8.000 kg; Phân bón NPK 5-10-3 ngày sản xuất 10/01/2016, số lượng: 90 bao (loại 25kg/bao) = 2.250 kg; Phân bón NPK 5-10-3 ngày sản xuất 18/01/2016, số lượng: 40 bao (loại 25kg/bao) = 1.000 kg; Phân bón NPK 12.2.10 ngày sản xuất 17/3/2016, số lượng: 50 bao (loại 25kg/bao) = 1.250 kg, có dấu hiệu vi phạm về chất lượng.

Đội QLTT Chống hàng giả đã tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm loại phân bón: NPK 5-10-3 ngày sản xuất 16/01/2016, số lượng: 320 bao (loại 25kg/bao) = 8.000 kg. Kết quả kiểm nghiệm loại phân bón NPK 5-10-3 ngày sản xuất 16/01/2016, số lượng: 320 bao (loại 25kg/bao) = 8.000 kg có hàm lượng dưới 70% so với công bố ghi trên bao bì (là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng) Đội QLTT Chống hàng giả đã thiết lập hồ sơ trình Chi cục trưởng xử phạt VPHC đối với ông Dương Văn Pha, số tiền: 50.000.000 đồng; Buộc tiêu hủy số hàng hóa VPHC gồm: Phân bón NPK 5-10-3 ngày sản xuất 16/01/2016, số lượng: 320 bao (loại 25kg/bao) = 8.000 kg. Giá trị hàng hóa tịch thu tiêu hủy: 28.000.000 đồng.

Trả lại ông Dương Văn Pha số hàng hóa không vi phạm (Phân bón NPK 5-10-3 ngày sản xuất 10/01/2016, số lượng: 90 bao (loại 25kg/bao) = 2.250 kg. Phân bón NPK 5-10-3 ngày sản xuất 18/01/2016, số lượng: 40 bao (loại 25kg/bao) = 1.000 kg. Phân bón NPK 12.2.10 ngày sản xuất 17/3/2016, số lượng: 50 bao (loại 25kg/bao) = 1.250 kg./.

 

Thạch Trung Dũng - TGV BCĐ 389 tỉnh

896 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21887842
Lượt truy cập