Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Mỳ gạo Chũ đặc sản làng nghề truyền thống Thủ Dương 

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) không chỉ được biết đến là “Vương quốc vải thiều”, mà còn có nghề thủ công truyền thống nổi tiếng với sản phẩm mỳ gạo Chũ đã được cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Địa bàn sản xuất mỳ gạo Chũ nhiều nhất là làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang chủ yếu theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình.
Mỳ gạo Chũ đặc sản làng nghề truyền thống Thủ Dương

Làng nghề mỳ gạo Thủ Dương được phát triển mạnh, hiện đang là nghề chính, nghề mũi nhọn của địa phương. Thương hiệu mỳ gạo Chũ là thương hiệu lớn, là đặc sản của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đã xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình, có trên 70% hộ đã làm giàu chính đáng từ nghề sản xuất mỳ, thu nhập bình quân của lao động làm nghề từ 7,5 - 8,5 triệu đồng/lao động/tháng.

          Hiện nay tổng số hộ của làng nghề là 365 hộ, trong đó số hộ làm nghề 287 hộ (chiếm 78,63 %), tổng số lao động chuyên sản xuất, kinh doanh mỳ gạo Chũ lên tới trên 1.000 người, làng nghề có 02 nghệ nhân, thợ giỏi được UBND tỉnh Bắc Giang phong tặng. Năm 2011 làng nghề được Bộ Khoa học & công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu mỳ Chũ độc quyền; đến nay làng nghề đã có nhiều sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao: như mỳ rau củ Thuận Hương, Mỳ ngũ sắc và mỳ gạo lứt Hiền Phước, Mỳ gạo chũ Thủ Dương,…

          Sản phẩm mỳ gạo của làng nghề Thủ Dương với tên gọi mỳ gạo Chũ được làm ra từ một loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm dẻo trồng trên vùng đất đồi Chũ đầy sỏi đá. Điều khác biệt ở đây chính là mạch nguồn nước ngầm trong lành của vùng quê cùng với đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm hơn 60 năm của một làng nghề truyền thống và cả những nguyên liệu đặc sản gạo quê của vùng núi Lục Ngạn đã tạo nên thương hiệu Mỳ gạo Chũ hôm nay. Hiện tại ở Bắc Giang có rất nhiều nơi sản xuất mỳ gạo nhưng riêng Mỳ Chũ của Lục Ngạn lại có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng khắp rộng khắp cả nước gồm các tỉnh thành Bắc, Trung, Nam, các hệ thống siêu thị, các công ty, đại lý phân phối bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc và các nước ASEAN...

          Mỳ Chũ được chế biến thành nhiều món đa dạng phong phú, từ món khô đến món nước, phù hợp với mọi lứa tuổi, đối tượng. Dù có chế biến như thế nào thì Mỳ Chũ vẫn giữ được hương vị riêng. Đặc điểm nổi trội nhất của mỳ Chũ là nếu chưa kịp ăn ngay khi để nguội vẫn không bị nát mà vẫn giữ được hương vị riêng. Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức. Bởi vậy, đặc sản mì Chũ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, nức tiếng gần xa và dần khẳng định mình so với các loại mì khác.

            Có lẽ chính vì vậy mỳ nơi đây mang một hương vị không thể nào lẫn được so với các nơi khác. Từng sợi mỳ mang cho bạn cảm giác dẻo dai, đậm đà, ngọt bùi nơi đầu lưỡi. Để tạo ra những sợi mỳ vừa dai, vừa ngọt bùi, những người thợ làm mỳ khá vất vả, từ khâu lựa chọn gạo bao thai hồng phải nhặt sạch sạn, đãi, vo rồi mới cho vào lu (một loại dụng cụ chứa được làm bằng đất nung) ngâm chừng sáu đến tám tiếng. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh mới có thể cho ra được thứ bột dẻo và sánh. Bột được lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Hôm sau, người làm nghề đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người chung tay chung sức, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mỳ đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó cũng phải khéo léo làm cho các sợi mỳ đều sóng, mượt và có hoa văn đẹp như búi tóc của người thiếu nữ.

          Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, hợp tác xã làm mỳ không chỉ sản xuất mỳ gạo trắng truyền thống mà đã có nhiều cố gắng trong cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm như: Mỳ gạo lứt, mỳ vừng, mỳ nghệ, mỳ gấc, mỳ hoa đậu biếc, mỳ củ dền, mỳ chùm ngây, khoai lang vàng…Toàn bộ sản phẩm này được làm từ gạo bao thai hồng kết hợp với rau, củ, quả trồng theo phương pháp VietGAP. Sản phẩm được kiểm định chất lượng ở các cơ quan có thẩm quyền và được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mới xuất bán ra thị trường.

          Có thể nói, những ai đã từng được thưởng thức Mỳ Chũ một lần chắc hẳn sẽ không quên màu trắng sữa, vị ngọt của gạo bao thai, giống lúa chất lượng cao nhất được trồng trên các chân ruộng cao ở vùng đất đồi, chịu được gió bão sương sa. Mỳ Chũ chính là sự hoà quyện giữa gạo quê và nguồn nước trong lành của vùng núi đồi sông Lục, cùng với đôi bàn tay nghệ nhân làng nghề để làm nên đặc sản mỳ gạo chũ quê hương. Tất cả đó là sự kết tinh hương vị và mang đậm hồn quê vùng núi đồi Lục Ngạn./.

Đ.H.Trang - Trung tâm KC&XTTM Bắc Giang - tổng hợp

275 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21877047
Lượt truy cập