Xã Hồng Giang đã đạt chuẩn nông thôn mới mang đặc trưng riêng vùng cây ăn quả. Toàn xã có 870 ha cây ăn quả, trong đó vải thiều là cây ăn quả chủ lực với 680 ha, còn lại là cây có múi. Năm 2016, doanh thu từ cây ăn quả của xã đạt 150 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Có được kết quả trên là do Đảng ủy, UBND xã xác định mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống cho nhân dân, nên ngoài đầu tư xây dựng đường giao thông, kênh mương, liên kết 4 nhà (nhà nước - doanh nghiệp (DN) - nhà khoa học - nhà nông), xã đã chú trọng phát triển mô hình liên kết hộ sản xuất tại thôn, xóm. Đến nay, Hồng Giang đã hình thành 7 nhóm gồm: Chi hội sản xuất vải thiều Global GAP; Chi hội sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều; hai hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; CLB sản xuất cây ăn quả có múi; HTX dùng nước; Quỹ tín dụng nhân dân. Các tổ, nhóm liên kết đã xâu chuỗi, tập hợp những hộ có ngành nghề sản xuất kinh doanh giống nhau vào hoạt động, góp phần chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy trong sản xuất hàng hóa và tiếp cận với các DN dễ dàng hơn.
Đến nay, toàn huyện có 13 xã đã thành lập được tổ nhóm liên kết sản xuất với 108 tổ, nhóm, 1.144 thành viên; 5 xã ra mắt Chi hội sản xuất vải thiều do Chủ tịch Hội Nông dân xã làm Chi hội trưởng.
|
Ông Giáp Văn Thành, nhóm trưởng nhóm sản xuất vải thiều xuất khẩu thôn Kép I, xã Hồng Giang cho biết: Thôn có 23 hộ được cơ quan chức năng cấp mã vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP với diện tích khoảng 23 ha. Đây là vụ thứ hai các thành viên trong nhóm sản xuất theo mô hình này. Ưu điểm của nhóm là các thành viên được tập huấn khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau rất hiệu quả. Chẳng hạn, dịp này sử dụng loại phân bón nào, thuốc bảo vệ thực vật ra sao. Cùng đó, cùng nhau tuân thủ chặt chẽ việc ghi chép nhật ký chăm sóc, có sự kiểm tra chéo giữa các thành viên. Một lợi thế nữa là khi có khách tham quan hoặc DN nào muốn liên hệ đến thăm và tiêu thụ sản phẩm, chỉ cần liên hệ với trưởng nhóm. Sau đó trưởng nhóm sẽ báo với các thành viên thu hoạch đủ số lượng để cung ứng cho khách hàng rất thuận tiện.
Gần đó, thôn Ngọt là một điển hình trong thực hiện mô hình nhóm hộ liên kết ở Hồng Giang. Thôn có 140 hộ sản xuất hơn 70 ha cây ăn quả theo quy trình Global GAP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Năm 2015, Công ty TNHH Rồng Đỏ đã bao tiêu 70 tấn vải thiều của bà con với giá 22 nghìn đồng/kg (cao hơn 6 nghìn đồng/kg so với thị trường). Năm 2016, Viện Rau quả T.Ư hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giúp 104 hộ dân trong thôn thực hiện mô hình này với quy mô 30 ha.
Năm 2016, tổng giá trị thu từ cây ăn quả của huyện đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt hơn 96 triệu đồng, tăng gần 12% so với năm trước. Lần đầu tiên UBND huyện phối hợp với ngành chức năng tổ chức cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất 4 ha cây ăn quả có múi gồm: Bưởi Da xanh, bưởi ngọt, cam lòng vàng, cam ngọt và 1 ha táo lai đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thành công của Ngày hội trái cây huyện Lục Ngạn năm 2016 với sự liên kết chặt chẽ của nhiều “nhà” đã góp phần quảng bá về vùng đất, con người cùng các sản phẩm đặc sản cây ăn quả của huyện. Từ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm có múi của địa phương được mở rộng hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo ông Tăng Văn Huy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thực hiện Đề án phát triển vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia, bằng kinh phí chi cho sự nghiệp nông nghiệp, mỗi năm huyện hỗ trợ từ 500 - 700 triệu đồng (bằng 35% giá giống cây ăn quả chất lượng cao) cho nhân dân; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất vải thiều, cây ăn quả có múi đạt tiêu chuẩn. Thường xuyên đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN về địa phương thu mua sản phẩm cho nhân dân. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, động viên bà con hình thành những nhóm, hộ nhằm tăng hiệu quả sản xuất.
Đức Thọ - Quang Huấn