Hơn chục năm trước, trong khi người dân địa phương chủ yếu vẫn trồng các loại nhãn giống cũ hay còn được gọi là nhãn trơ, nhãn thóc thì gia đình ông Vũ Anh Thái, thôn Thuẫn, xã Bảo Đài (Lục Nam) đã đưa vào trồng giống nhãn muộn được mua về từ tỉnh Hà Tây (cũ). Theo ông Thái, đặc điểm giống nhãn này quả sai, to, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt thanh và đặc biệt là chín muộn hơn các giống nhãn khác từ 30-45 ngày do đó bán được giá cao.
Với kinh nghiệm tích lũy được, vừa làm vừa mở rộng, đến nay gia đình ông đã có hơn 100 cây nhãn muộn, mỗi năm cho thu hoạch bình quân 6-7 tấn quả. Theo giá thị trường như hiện nay, vụ nhãn năm nay sẽ mang lại cho gia đình ông Thái hơn 100 triệu đồng.
Cũng như ông Thái, 6 năm trở lại đây, ông Lê Thái Vĩnh, thôn Mai Châu, xã An Dương (Tân Yên) đã cải tạo hơn 500 cây nhãn ghép bằng các giống nhãn muộn như: Miền Thiết, Hương Chi… Mặc dù vào thời điểm nhãn ra hoa, đậu quả, trên địa bàn huyện xuất hiện những đợt giông, lốc song sản lượng nhãn của gia đình ông vẫn ước đạt gần 10 tấn quả.
Ông Vĩnh chia sẻ: “Trước đây, khi chưa cải tạo, các giống nhãn cũ thường cho thu hoạch tập trung vào một thời điểm, năng suất thấp. Hiện nay, diện tích nhãn muộn đã cải tạo ghép và trồng mới cho năng suất cao hơn và chín lệch ngày so các giống khác nên khi bán ra thị trường, nhãn muộn thường có giá cao hơn nhãn chính vụ”.
Khảo sát tại huyện Tân Yên, một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn muộn lớn nhất tỉnh với hơn 250ha, được biết những năm qua, UBND huyện đã chú trọng chỉ đạo phát triển cây trồng này. Hiện nay, nhãn muộn đã trở thành cây trồng quen thuộc và được xem là hướng phát triển kinh tế của người dân các xã: Phúc Hòa, Hợp Đức, Liên Chung, An Dương…
Theo anh Hà Văn Tuyển, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này, trong đó khuyến khích chuyển đổi những diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả kinh tế sang trồng nhãn. Đặc biệt, huyện khuyến khích cải tạo diện tích nhãn già cỗi, nhãn thóc bằng những giống nhãn muộn để rải vụ, góp phần đa dạng sản phẩm cây ăn quả và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có khoảng 800 ha nhãn muộn và đang được nông dân các địa phương tiếp tục cải tạo, mở rộng diện tích.
Chú trọng khâu liên kết
Năm nay, nhìn chung thời tiết thuận lợi, không chỉ riêng nhãn mà các loại cây ăn quả khác trong tỉnh đều có tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao. Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện toàn tỉnh có hơn 3.200 ha nhãn, tập trung tại các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên và Yên Thế.
Để phát triển cây trồng này, ngành chức năng, các địa phương và người trồng nhãn đã quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng theo hướng VietGAP. Hiện toàn tỉnh có gần 1 nghìn ha nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, tuy nhãn không gặp sức ép lớn trong khâu tiêu thụ như vải thiều, dưa hấu… song đầu ra chủ yếu vẫn là thị trường trong nước. Ông Nguyễn Văn Tuyền, thôn Thuẫn, xã Bảo Đài (Lục Nam) nói: “Những năm khan hàng, thương nhân tìm về tận vườn thu mua nhưng có những năm nhãn được mùa, bán chậm, nảy sinh tình trạng ép giá.”. Nếu nhãn được đưa vào chế biến hoặc xuất khẩu thì nông dân sẽ yên tâm hơn về đầu ra.
Trên thực tế, việc thu mua nhãn hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn do thương lái thu gom mang tính nhỏ lẻ, chưa hình thành các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ như một số loại hoa quả khác. Trong khi đó, diện tích, chất lượng, sản lượng nhãn ngày càng được mở rộng và phát triển đang đặt ra những khó khăn trong khâu tiêu thụ sau này.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), để cây nhãn phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với mở rộng diện tích theo đúng quy hoạch thành những vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các địa phương và người trồng nhãn cần sớm hình thành chuỗi liên kết sản xuất.
Trong đó, quan tâm xây dựng các HTX, tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu sản phẩm này như một số mặt hàng nông sản chủ lực khác của tỉnh.
Theo http://baobacgiang.com.vn/