Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

QUY ĐỊNH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI MỸ 

Cũng giống như Nhật Bản, Hoa Kỳ là một trong những thị trường có nhiều quy định, đặc biệt với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, có thể áp dụng cùng lúc nhiều điều kiện, quy tắc khác nhau. Đáng lưu ý là Bộ Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (Food Safety Modernization Act – FSMA) của Mỹ
QUY ĐỊNH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI MỸ

1. Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ

 

Bộ Luật được ký thành vào năm 2011. Mục đích là để làm cho việc cung cấp thực phẩm ở thị trường Mỹ được an toàn, bằng việc chuyển hướng tập trung của các cấp quản lý liên bang từ việc phòng ngừa nhiễm bẩn thực phẩm.

Luật này đòi hỏi các biện pháp phòng ngừa toàn diện chứ không còn chỉ kiểm tra ở biên giới. Luật này yêu cầu việc đầu tiên là doanh nghiệp phải đăng ký với FDA để được cấp phép nhập khẩu thực phẩm vào Mỹ. Lưu ý khi tiến hành đăng ký với FDA thì FDA phải có một thời gian thẩm định lại xem nhà máy có đảm bảo được điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thì mới cấp mã hàng.

Một số nội dung trọng điểm của luật FSMA là:

– Các chiến lược bảo vệ thực phẩm khỏi bị làm giả cố ý.

– Vận chuyển thực phẩm cho người và động vật hợp vệ sinh.

– Quy tắc sản xuất an toàn cuối cùng và báo cáo tác động môi trường.

– Các chương trình xác nhận nhà cung cấp nước ngoài (FSVP).

– Chứng nhận bên thứ ba tin cậy.

– Giám sát ngăn ngừa đối với Quy tắc cuối cùng thực phẩm cho người.

– Kiểm soát ngăn ngừa đối với Quy tắc cuối cùng thực phẩm cho động vật.Trong đó, nội dung mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên quan tâm nhất đó là Chương trình xác nhận nhà cung cấp nước ngoài của cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Nhà nhập khẩu tại Mỹ phải lập các chương trình để xác nhận sự an toàn của tất cả các chuyến hàng nhập vào Mỹ, bằng các chứng nhận an toàn cho mỗi chuyến hàng, theo các quy định mới về các lô hàng đến cảng Mỹ từ ngày 30/5/2017.

Nâng cao trách nhiệm của các nhà nhập khẩu Mỹ:

Các nhà nhập khẩu Mỹ chịu trách nhiệm về các hành động bao gồm:

a) Xác định các mối nguy có thể đoán trước được hoặc đã biết với từng thực phẩm.

“Mối nguy” nghĩa là gì? Nhà nhập khẩu (và cả các nhà cung cấp nước ngoài của họ) phải phân tích và “lường trước” tất cả những rủi ro của thực phẩm và, phải ghi rõ các biện pháp đã thực hiện để ngăn ngừa trong quá trình sản xuất, vận chuyển và xử lý từng loại thực phẩm họ sản xuất. Đó là:

– Các mối nguy về sinh học, bao gồm ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh.

– Các mối nguy về hoá học, bao gồm các mối nguy phóng xạ, thuốc trừ sâu và dư lượng thuốc, độc tố tự nhiên, phân huỷ thực phẩm, các chất phụ gia và tạo màu không được chấp thuận, và các chất gây dị ứng thực phẩm.

– Các mối nguy vật lý, như nhiễm bẩn thuỷ tinh hoặc kim loại.

– Có thể là các mối nguy gây ra bệnh hoặc thương tích xảy ra tự nhiên, hoặc xảy ra vô tình hay cố ý để đạt được lợi ích kinh tế, như thay thế một thành phần rẻ tiền hơn.

b) Đánh giá rủi ro của thực phẩm, dựa trên phân tích mối nguy, và việc thực hiện của các nhà cung cấp an toàn.

Việc đánh giá phải xem xét các yếu tố bao gồm:

– Công thức thực phẩm

– Điều kiện, chức năng và thiết kế của các cơ sở và thiết bị của một công ty sản xuất thực phẩm điển hình

– Nguyên liệu và các thành phần khác

– Thực tiễn vận chuyển

– Quy trình khai thác, nuôi trồng, sản xuất, chế biến và đóng gói

– Các hoạt động đóng gói và dán nhãn

– Lưu trữ và phân phối

– Cách sử dụng dự định và có thể lường trước

– Vệ sinh, bao gồm vệ sinh lao động.

c) Sử dụng đánh giá rủi ro của các thực phẩm nhập khẩu, và việc thực hiện của các nhà cung cấp để chấp thuận nhà cung cấp.

d) Xác minh nhà cung cấp phù hợp.

e) Thực hiện các hoạt động khắc phục.

Luật mới cho phép FDA ngăn chặn việc đưa vào thị trường Mỹ các thực phẩm bị pha trộn hoặc bị nhầm lẫn, bao gồm các thực phẩm có nguy cơ gây hại.

– Thực phẩm pha trộn có thể do nhiều yếu tố, bao gồm nhiễm bẩn vi khuẩn và hoá học, ôi thiu hoặc phân huỷ, có chưa một phụ gia không an toàn, được chuẩn bị, đóng gói và bảo quản trong điều kiện không vệ sinh, và thay các nguyên liệu giá trị bằng các nguyên liệu kém khác.

– Thực phẩm bị nhầm lẫn trên bao bì có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm không công bố các thành phần nhất định hoặc các chất gây dị ứng thực phẩm chính, và không tuân thủ các thông tin dinh dưỡng trên bao bì. Công cụ này cho phép FDA loại bỏ hiệu quả các thực phẩm khỏi kênh phân phối, trong khi cơ quan này thực hiện các hành động hợp pháp và thực thi khác.

2. Thông tin tham khảo để nâng cao thực thi

Từ những nội dung cơ bản của pháp luật về an toàn thực phẩm Hoa Kỳ, có thể tham khảo một số kinh nghiệm để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.

Thứ nhất, pháp luật an toàn thực phẩm được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu khoa học chuyên sâu về thực phẩm, dinh dưỡng, rủi ro… Từ các quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến tần suất kiểm tra đều được thiết kế trên cơ sở khoa học chứ không phải được đặt ra một cách chủ quan, tùy tiện.

Thứ hai, đặt ra các tiêu chuẩn an toàn rất cao và áp dụng thống nhất đối với cả thực phẩm trong nước và thực phẩm nhập khẩu. Theo thống kê, khoảng 15% lượng cung ứng thực phẩm ở Hoa Kỳ là thực phẩm nhập khẩu, gồm 50% hoa quả tươi, 20% rau tươi và 80% hải sản. Do đó, việc áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu rất quan trọng.

Hoa Kỳ vừa có những chế tài mạnh, vừa có các biện pháp mang tính chất khuyến khích đối với các nhà nhập khẩu và nhà cung cấp thực phẩm nước ngoài để buộc họ phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ, từ việc ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu có khả năng không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn ngay tại biên giới, trực tiếp kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nước ngoài, cho đến cơ chế kiểm tra hàng nhanh đối với các nhà nhập khẩu đủ điều kiện…

Thứ ba, đề cao tính minh bạch và có thể truy xuất của thực phẩm. Tính minh bạch được thể hiện rõ ở các quy định về ghi nhãn thực phẩm nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng.

Để bảo đảm tính minh bạch, pháp luật về an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ sử dụng ba phương thức điều chỉnh: Cấm quảng cáo, ghi nhãn gian dối, sai sự thật; buộc công bố những thông tin cần thiết về sản phẩm trên nhãn hàng hóa; hạn chế những phát ngôn mang tính phóng đại về chất lượng, công dụng của thực phẩm trên nhãn, bao bì hàng hóa để thu hút người tiêu dùng.

Tính minh bạch còn thể hiện ở quy định của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) về việc thiết lập một cổng thông tin điện tử (Reportable Food Registry), trong đó các cơ sở cung ứng thực phẩm đã đăng ký có nghĩa vụ đăng tải thông tin về thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, cán bộ cơ quan nhà nước, người tiêu dùng cũng có thể đăng tải thông tin, nhằm thúc đẩy việc trao đổi, cung cấp thông tin về thực phẩm không an toàn.

Tính truy xuất không chỉ thể hiện ở việc có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm, nguyên liệu làm ra thực phẩm, mà còn nhanh chóng truy xuất và nhận diện khâu nào trong chuỗi cung ứng thực phẩm có vấn đề, nhanh chóng truy xuất thực phẩm không an toàn và kịp thời thu hồi khỏi các kênh phân phối trên thị trường.

Thứ tư, chuyển trọng tâm từ ứng phó sang tăng cường biện pháp phòng ngừa rủi ro. Điều này thể hiện rõ qua các điểm mới của Luật An toàn thực phẩm hiện đại năm 2011.

Các cơ sở cung ứng thực phẩm phải lập và triển khai kế hoạch kiểm soát phòng ngừa, đánh giá rủi ro và đề ra các biện pháp hạn chế, khắc phục một cách cụ thể. Do đó, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có ý thức và trách nhiệm cao hơn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thứ năm, quy định các biện pháp thực thi đa dạng, có sự phối hợp liên ngành, đa cấp giữa nhiều cơ quan trong chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương, giữa chính phủ trong nước và chính phủ nước ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư.

Các biện pháp thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm bao gồm: (1) biện pháp hành chính (kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm, cấp đăng ký bắt buộc đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước và nước ngoài muốn bán thực phẩm tại Hoa Kỳ và đình chỉ đăng ký nếu vi phạm, tạm giữ hành chính đối với thực phẩm bị nghi ngờ không an toàn, yêu cầu cơ sở vi phạm thu hồi thực phẩm không an toàn khỏi thị trường…); (2) biện pháp dân sự (người bị thiệt hại do thực phẩm không an toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo pháp luật về trách nhiệm với sản phẩm); (3) biện pháp hình sự (truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đến mức cấu thành tội phạm).

Trên thực tế, biện pháp hình sự hiếm khi được áp dụng, nhưng đây vẫn là công cụ thực thi mạnh do hình phạt nghiêm khắc. Hình phạt có thể là một năm tù giam và phạt tiền 1.000 USD, mức phạt tiền có thể lên tới 250.000 USD nếu vi phạm gây chết người.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và những quy định khắt khe khác, như:

Đăng ký kèm xác nhận từ đại diện nhập khẩu phía Mỹ.

Theo luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ, cứ 2 năm một lần, các đơn vị xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang Mỹ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ với cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) để được cấp mã số mới. Theo thống kê gần đây của FDA, Việt Namchỉ còn xấp xỉ 900 cơ sở sản xuất được FDA cho phép kinh doanh hợp lệ. Khoảng gần 700 cơ sở đã bị hủy mã số kinh doanh do không tiến hành đăng ký lại hoặc không đúng thủ tục.

Từ năm 2017, FDA đã điều chỉnh lại luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải có một đối tác nhập khẩu hoặc đại diện nhận hàng phía Mỹ xác nhận lại đăng ký của cơ sở sản xuất. Như vậy, đại diện này sẽ có trách nhiệm xác minh thực phẩm nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hiện hành của Mỹ.

Nhiều nhà sản xuất cho rằng họ đã đăng ký và có chứng nhận để xuất khẩu sang Mỹ, tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Đây mới chỉ là mã số cho phép các kiểm định viên của FDA kiểm tra cơ sở sản xuất. Các mặt hàng nông sản, thực phẩm phải tiếp tục vượt qua các kiểm tra của FDA về độ an toàn và đánh giá theo quy trình thực hành sản xuất tốt (GMP) hay thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Cụ thể, trọng tâm của sự điều chỉnh trong luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm là sự chuyển đổi từ "phản ứng" với mối nguy hại sang các nguyên tắc "phòng ngừa". Nguyên tắc quan trọng trong các quy định an toàn thực phẩm này được gọi là "phân tích mối nguy" gồm một loạt các tài liệu, dẫn chứng, xác minh về việc tuân thủ quy trình HACCP của nhà nhập khẩu và đơn vị xuất khẩu.

4 mối nguy quan trọng mà các mặt hàng thực phẩm, nông sản của Việt Nam thường gặp là: mối nguy về sinh học (bao gồm ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh); mối nguy về hóa học (phóng xạ, thuốc trừ sâu và dư lượng thuốc, độc tố tự nhiên, phân hủy thực phẩm, phụ gia, chất tạo màu không được sử dụng, các chất gây dị ứng thực phẩm); mối nguy vật lý (nhiễm bẩn thủy tinh hoặc kim loại); mối nguy từ vô tình hoặc cố ý để đạt được lợi ích kinh tế (làm giả, làm nhái…).

Việc đánh giá mối nguy này không chỉ bao gồm kiểm tra khi hàng hóa nhập cảng mà còn ở nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, chế biến, sản xuất và đóng gói, dán nhãn, vận chuyển tới điều kiện sản xuất của công ty, vệ sinh lao động. Nếu cơ sở vi phạm một trong bốn mối nguy quan trọng, FDA có thể ban lệnh tạm dừng với cơ sở sản xuất và cấm đưa sản phẩm vào Mỹ. Đây cũng mới chỉ là quy định chung, không áp dụng cho nước trái cây, cá và các sản phẩm từ cá.

Để bắt kịp và hội nhập với thế giới, nhà sản xuất Việt Nam cần tuân thủ các quy trình sản xuất, thực hành nông nghiệp sạch từ đầu đến tận cuối chuỗi, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Theo Trung tâm TT Công Nghiệp và Thương Mại - BCT

 
 

 

1780 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
22866717
Lượt truy cập