Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến thời điểm hiện nay, một số đối tượng sâu bệnh gây hại như: Bọ xít diện tích nhiễm 420 ha, sâu đo 800 ha, rệp muội 320 ha, bệnh sương mai 300 ha...
Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên các trà vải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều như: Lục Nam, Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật: Bón phân, tưới nước đủ ẩm, sử dụng chế phẩm và chất điều tiết sinh trưởng để tăng tỷ lệ đậu hoa, quả.
Tập trung phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây vải thiều trong giai đoạn hiện nay như: Bệnh sương mai, thán thư, sâu đo, bọ xít, rệp muội bằng những loại thuốc đặc hiệu.
Chỉ đạo việc mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tăng cường thông tin tuyên truyền về sản xuất vải an toàn góp phần nâng cao giá trị cây vải thiều.
Riêng đối với UBND huyện Lục Ngạn, chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì sản xuất vải thiều xuất khẩu với 18 mã số vùng trồng, diện tích 217,9 ha tại 06 xã (Hồng Giang, Tân Quang, Tân Mộc, Kiên Lao, Tân Sơn, Giáp Sơn) đã được phía Mỹ cấp để phục vụ xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đẩy mạnh công tác điều tra phát hiện, nắm chắc diễn biến tình hình phát sinh gây hại của sâu bệnh giai đoạn ra hoa, đậu quả để tham mưu cho các cấp trong việc chỉ đạo phòng trừ; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trung tâm Khuyến nông chủ động thông tin, tuyên truyền kịp thời về tình hình sâu bệnh gây hại trên cây vải thiều; hướng dẫn nông dân cách điều tra phát hiện, nhận biết sâu bệnh để chủ động trong công tác phòng trừ./.
(Theo http://www.bacgiang.gov.vn)