VASEP cho biết cách đây 5 năm, Nga luôn nằm trong top 10 các thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm cá tra, basa thịt đỏ. Tuy nhiên trong 2 năm gần đây, nhập khẩu sản phẩm cá tra của Nga luôn giảm và ở mức thấp, giá nhập khẩu trung bình không ổn định và chưa thực sự hấp dẫn.
7 tháng đầu năm 2019, tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Nga vẫn tăng khá, 12,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu sản phẩm cá tuyết và cá minh thái vẫn tăng trưởng tốt; nhập khẩu phile cá tra đông lạnh (HS 0304) tăng nhẹ gần 3%, trong khi cá tra đông lạnh (HS 0303) lại giảm mạnh đến hơn 29%.
Thêm 5 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Nga
Theo
nongnghiep.vn, cơ quan Liên bang Nga về Giám sát Thú y và Kiểm dịch động thực vật vừa thông báo về việc cho phép 5 doanh nghiệp của Việt Nam được phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Liên bang Nga kể từ ngày 4/12/2019 gồm có: i) DL 374, Phân xưởng 1, Công ty Seaprodex Minh Hải; ii) DL 34, Công TNHH chế biến thuỷ sản 1; iii) DL 344, Công ty TNHH thuỷ sản Huy Nam; iv) DL 409, Công ty Cổ phần chế biến thuỷ sản xuất nhập khẩu Kiên Cường; v) DL 266, Công ty TNHH Ngọc Tùng. Trong thời gian tới, Cục Thú y tiếp tục trao đổi, đàm phán để xuất khẩu các sản phẩm thịt gia cầm và sản phẩm sữa từ Việt Nam sang Liên bang Nga.
Hướng đến quy củ để đưa ngao đi Trung Quốc
Theo
nongnghiep.vn, với kinh nghiệm xuất khẩu ngao đi EU, các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình ý thức được việc sản xuất, khai thác càng quy củ thì khả năng chinh phục thị trường Trung Quốc càng rộng mở.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thái Bình là một trong những địa phương phát triển nghề nuôi ngao mạnh nhất nhì miền Bắc, trong đó chủ yếu là giống ngao trắng, xuất đi nhiều nước trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Thái Bình, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 ha nuôi ngao với sản lượng hàng năm vào khoảng 100.000-110.000 tấn. Trước đây, khi Trung Quốc chưa cấm nhập khẩu ngao từ Việt Nam theo đường tiểu ngạch, có thể ước tính mỗi năm thị trường này nhập xấp xỉ 50.000 tấn ngao từ Thái Bình. Sau khi phía bạn không cho phép nữa, ngao của Thái Bình phải tìm hướng đi các thị trường khác trong đó có đưa vào miền Nam. Tuy nhiên, từ giữa tháng 10 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của phía Việt Nam, nước này đồng ý mở cửa thị trường cho 3 sản phẩm thủy sản gồm ngao hoa, ngao trắng và nghêu lụa vào danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây được xem là thị trường tiềm năng cho con ngao Việt Nam vì nhu cầu lớn và yêu cầu không quá khắt khe. Ngoài ra, việc sơ chế, bảo quản ngao cũng đơn giản hơn so với các mặt hàng nông sản khác.
Nghêu, sò Việt Nam được chuộng tại châu Âu
Theo
vnexpress.net, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam vào châu Âu tăng 35% trong quý III/2019.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, EU chiếm 66% tổng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam đi các thị trường, riêng nghêu chiếm 35% giá trị. 80% giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang EU tập trung vào ba thị trường Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy. Trong quý III vừa qua, xuất khẩu sang 3 thị trường này tăng mạnh lần lượt ở mức 68%, 13% và 45%.
Hiện nay, có gần 90 công ty Việt Nam xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ sang các thị trường tại châu Âu. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy cũng chính là ba thị trường chính tại châu Âu tiêu thụ các sản phẩm nghêu, sò đã qua xử lý nhiệt như nghêu lụa/nghêu trắng/nghêu nâu hấp/luộc đông lạnh và thịt nghêu đông lạnh.
Giá nghêu nâu luộc đông lạnh xuất sang Bồ Đào Nha trong 9 tháng đầu năm nay dao động từ 1,6 đến 1,75 USD mỗi kg, tại Tây Ban Nha dao động từ 1,45 đến 1,85 USD mỗi kg. Nghêu trắng luộc có giá dao động từ 1,2 đến 1,55 USD mỗi kg. Cồi điệp xuất sang Đan Mạch với giá khoảng 11 USD mỗi kg.
Theo Vasep, EU ngày càng có nhu cầu cao đối với các sản phẩm vẹm, sò điệp và nghêu trong khi giảm nhu cầu đối với hàu. Giá nghêu ở miền Nam châu Âu vẫn cao vì nhu cầu đang vượt cung. Về cuối năm, thị trường này sẽ có động thái bình ổn giá và hoạt động giao dịch mặt hàng này sẽ bắt đầu chững lại.
Thủy sản phải làm gì trước sự cạnh tranh quyết liệt
Theo
nongnghiep.vn, với bước đột phá trong áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như đẩy mạnh chất lượng, ngành thủy sản Việt Nam đã khẳng định vị thế là nước XK lớn trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó, mặt hàng này cũng gặp sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia khác.
Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, toan tính trước mắt có lẽ không còn phù hợp khi mà tiêu chuẩn hóa cho một sản phẩm XK phải được tuân thủ bài bản từ nuôi trồng đến chế biến. Trước những khó khăn và thách thức của thị trường Trung Quốc, ngành thủy sản Việt Nam cần xác định chiến lược lâu dài nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác cho toàn ngành.
Theo thống kê của Bộ Công thương, thị phần tôm và cá tra, basa của Việt Nam tại Trung Quốc lần lượt là 24% và 98,9%. Nếu như cá tra, basa chiếm thị phần áp đảo thì tôm Việt Nam đang phải đối đầu với nhiều quốc gia có khả năng đẩy cao sản lượng XK như Argentina (29%), Ecuador (22,7%), Ấn Độ (14,6%), Thái Lan (14,6%). Về năng lực sản xuất, ngành thủy sản nhìn chung đã có bước chuyển biến rõ rệt để từ đó nâng cao sản lượng XK.
Trong năm 2018, sản lượng cá tra khoảng 1.418 nghìn tấn, tôm nước lợ 766 nghìn tấn, nuôi trồng khác 1.970 nghìn tấn. Đặc biệt, sản lượng cá tra đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tôm tăng 10%.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng: Chúng tôi nhận được dấu hiệu khá tích cực về ngành thủy sản của Việt Nam khi XK sang thị trường Trung Quốc. Tính đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao tại thị trường này. Tuy nhiên, sự dẫn đầu về doanh số không còn quá quan trọng bởi yếu tố cạnh tranh về giá mới là điều quyết định.
“Đối với sản phẩm cùng chất lượng tại các quốc gia chúng ta xét đến, doanh nghiệp NK chọn hàng thủy sản Việt Nam vì có giá cạnh tranh hơn, bao gồm chi phí XK thông quan qua các cửa khẩu. Để phát huy về thế mạnh giá cả cũng như vị trí thuận lợi giáp với Trung Quốc, toàn ngành thủy sản đã và đang hướng đến chiến lược nâng cao giá trị công nghệ chế biến”, ông Toản nói.
Ngoài ra để làm được điều này, công nghệ cũng cần được chú trọng đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng chế biến sâu, điều quan trọng là lựa chọn công nghệ tạo ra sản phẩm riêng biệt, nhưng có thể giúp giảm giá thành sản phẩm. Đây được coi là lựa chọn đúng đắn, nâng cao vị thế cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam XK sang Trung Quốc gặp vướng mắc vì việc đăng ký bổ sung các sản phẩm XK của Việt Nam vào danh sách các sản phẩm được chấp thuận NK vào Trung Quốc vẫn còn khó khăn. Theo ông Toản, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có nhiều văn bản gửi phía Trung Quốc đề nghị xem xét, bổ sung một số loài như nghêu, cua biển, tôm hùm, ghẹ, bổ sung một số dạng sản phẩm như tôm thẻ, tôm sú ướp đá đã có bằng chứng thông thương, cũng như hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục đăng ký để bổ sung các sản phẩm mới như cá rô phi, cá hồi, cá cờ, cá thu... vào danh mục được phép XK sang Trung Quốc.
Nguồn: VITIC