Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Tọa đàm sản xuất - chế biến và tiêu thụ vải thiều với Đoàn nhà báo Thái Lan 

Sáng ngày 04/3/2018, Sở Công Thương Bắc Giang chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh và Đoàn nhà báo Thái Lan tổ chức tọa đàm về sản xuất - chế biến và tiêu thụ vải thiều. Dự buổi tọa đàm có lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh và UBND huyện Lục Ngạn.
Tọa đàm sản xuất - chế biến và tiêu thụ vải thiều với Đoàn nhà báo Thái Lan

Sau khi nghe báo cáo đề dẫn của đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, đồng chí Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương đã trao đổi và làm rõ thêm tiềm năng, thế mạnh về các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh cũng như vai trò của cơ quan truyền thông trong hoạt động xuất khẩu nông sản. Những năm gần đây, Bắc Giang phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, khẳng định là trung tâm kinh tế lớn của vùng trung du, miền núi phía Bắc. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,3% (mức cao nhất từ trước đến nay). Quy mô nền kinh tế của tỉnh ước đạt trên 69 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 3 tỷ USD); GRDP bình quân/người đạt 1.850 USD (tăng 174 USD so với năm 2016). Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 6.276,7 tỷ đồng, vượt 38% dự toán. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 46,1%, tăng 4,8% (công nghiệp chiếm 37,9%); dịch vụ chiếm 33,3%, tăng 1,4%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,6%, giảm 6,2% so với năm 2016. Năm 2017, thu hút đầu tư đạt kết quả khởi sắc với 222 dự án, vốn đăng ký đạt trên 2,2 tỷ USD (đứng thứ 8 về số dự án, thứ 11/63 tỉnh, thành phố về số vốn đăng ký FDI). Sau 20 năm tái lập tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 200 lần (trên 114.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu đạt 6,2 tỷ USD. Bắc Giang được biết đến là tỉnh hình thành vùng trồng cây ăn quả lớn thứ 3 toàn quốc với gần 47.000 ha; trong đó diện tích trồng vải thiều chuyên canh đứng thứ nhất với gần 30.000 ha, trên 6.000 ha cây có múi (đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, giá trị thu nhập trung bình từ 300 - 400 triệu đồng/ha, cao đạt 1,1 - 1,2 tỷ đồng/ha); đàn gà đứng thứ 2 toàn quốc với quy mô 14 triệu con/năm; tổng đàn lợn trên 1,3 triệu con, đứng thứ 3 toàn quốc.

 

Đối với sản phẩm vải thiều, Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước trong việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ trái vải tươi. Thái Lan là thị trường tiêu thụ vải thiều lớn của Bắc Giang, nông sản này đã có mặt tại các siêu thị và giá bán cao hơn sản phẩm của nước sở tại cùng thời điểm. Bắc Giang cam kết nâng chất lượng, thay đổi mẫu mã bao gói sản phẩm vải thiều Bắc Giang. Cùng với đó, đồng chí Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh và trao đổi, đề xuất một số nội dung như: Thái Lan là một trong năm nước sản xuất quả vải nhiều nhất thế giới, với rất nhiều kinh nghiệm trong chế biến và xúc tiến xuất khẩu trái cây. Các doanh nghiệp của Thái Lan rất năng động trong việc cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm và tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mà Thái Lan hướng tới. Thái Lan cũng đã xây dựng được mối quan hệ đối tác bền chặt với các siêu thị và nhà phân phối bán buôn lớn của Châu Âu để đảm bảo tính ổn định cho xuất khẩu quả vải vào các thị trường này. Trái vải của Thái Lan rất được chú ý đến hình thức mẫu mã và đóng gói sản phẩm, vải tươi được đóng hộp trong các thùng có màu sắc bắt mắt, dán nhãn với các thông tin đầy đủ; vải xuất khẩu sang Mỹ được xử lý bảo quản để giữ nhiệt độ tươi lâu, do đó vẫn giữ được màu sắc tự nhiên, độ đồng đều cao.

Về phía tỉnh Bắc Giang, điều quan tâm nhất đối với các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân làm nông nghiệp nói chung và trồng vải nói riêng là tiếp tục mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tại buổi gặp mặt ngày hôm nay, chúng tôi rất mong muốn được nghe các nhà báo Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm về công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường như việc thông tin, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng, chủ lực của Thái Lan (đặc biệt là vải thiều) đến người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Đồng thời, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang mong muốn được các cơ quan truyền thông, các nhà báo Thái Lan quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang để đưa tin, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa của tỉnh Bắc Giang nói chung và vải thiều nói riêng đến người dân và doanh nghiệp trên đất nước Thái Lan. 

 

Về phía đoàn nhà báo Thái Lan, nhiều nhà báo, nhà khoa học của Thái Lan nêu kinh nghiệm quý trong sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản, đặc biệt là me ngọt, chuối xuất khẩu... Mở rộng hợp tác trong khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Prayoon Limsuk - Hiệu trưởng Trường Đại học Ratchapat Phetchaboon, cố vấn chuyên môn Hội Nhà báo tỉnh Phetchaboon thông tin sẽ trao đổi với Phòng Công nghiệp và Thương mại tỉnh Phetchabun, Khoa Kỹ thuật của Trường Đại học Ratchapat Phetchaboon hỗ trợ Bắc Giang trong trao đổi hợp tác về văn hóa, phối hợp tuyên truyền về hàng nông sản của Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng; tăng cường giao lưu văn hóa cũng như ngôn ngữ, hợp tác về khoa học, du lịch; đào tạo chuyên ngành về chế biến nông sản… góp phần xây dựng mối quan hệ ngày càng bền chặt, hiệu quả./.

Thân Hào (Phòng KH - TC - TH)

740 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
22868872
Lượt truy cập