Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

TP HCM sẵn sàng mở lại chợ truyền thống, thị trường hàng hóa khu vực miền Bắc, miền Trung ổn định 

Tổ công tác đặc biệt phía nam của Bộ Công Thương cho hay một số quận, huyện, chợ đầu mối, chợ truyền thống tại TP HCM cho biết đã sẵn sàng phương án mở cửa trở lại sau thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với lộ trình từng bước. Mục tiêu đến cuối năm, các chợ đầu mối có thể phục hồi 100% công suất hoạt động.
TP HCM sẵn sàng mở lại chợ truyền thống, thị trường hàng hóa khu vực miền Bắc, miền Trung ổn định

Về lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống, Sở Công Thương TP HCM cho biết, kế hoạch của Thành phố là sau ngày 30/9 sẽ mở lại nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).

TP HCM cũng đã ban hành Bộ Tiêu chí hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống an toàn theo lộ trình ban đầu là 10% rồi tiến dần lên 20%, 30%, 50%... với điều kiện là tất cả thương nhân và nhân viên lao động tham gia làm việc, buôn bán tại chợ được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và bảo đảm đáp ứng tất cả tiêu chí đánh giá trong Bộ Tiêu chí hoạt động an toàn chợ đầu mối do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP HCM ban hành.

Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn mà các quận, huyện, TP. Thủ Đức sẽ xây dựng lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống. Việc khôi phục kênh phân phối truyền thống nhằm tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa, thực phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại thị trường nội địa.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công văn 5854 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Cơ quan này cho rằng, việc mở lại chợ truyền thống là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế bởi kênh phân phối truyền thống với vai trò chủ lực của chợ đầu mối, chợ truyền thống đang chiếm gần 80% tổng lượng luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt miền Bắc và miền Trung của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tiếp tục ổn định.

Ngày 27/9/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3242/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố, theo đó, Thành phố thực hiện cho phép thực hiện một số hoạt động như thể dục, thể thao ngoài trời, trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về), cửa hàn may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm trong điểu kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh theo quy định. Thị trường trên địa bàn tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù có một số chợ đóng cửa (gồm 19/449 chợ, giảm 16 so với ngày hôm trước).

Tại tỉnh Hà Nam, ngày 27/9, tình hình thị trường giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh có xu hướng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Riêng tại Thành phố Phủ Lý, giá cả một số mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng giảm trở lại sau khi tăng mạnh cục bộ vào tuần trước, tuy nhiên, tại một số điểm bán lẻ, giá vẫn tăng nhẹ khoảng 10%-25% so với thời điểm trước khi có dịch. 

Tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn, giá cả vẫn ổn định. Tổ công tác kiểm tra hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Sở Công Thương cũng đã tiến hành kiểm tra thực tế tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn, kịp thời nhắc nhở việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 cũng như quy định về sản xuất, kinh doanh, đề nghị Ban Quản lý chợ có biện pháp nhắc nhở các tiểu thương không được tăng giá bất hợp lý.

Tại Thành phố Đà Nẵng, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa. Số lượng điểm bán hàng thực phẩm tại các điểm container tiếp nhận từ Công an Thành phố ngày 27/9 là 13 điểm (Sở Công Thương dự kiến duy trì các điểm bán này đến ngày 30/9).

Ngày 27/9/2021, tổng số chợ hoạt động trên địa bàn thành phố là 27 chợ. Trong ngày, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, chợ Bắc Mỹ An đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng hoạt động để khử khuẩn, dọn vệ sinh; ngược lại chợ Khuê Mỹ hôm nay bắt đầu tạm ngừng hoạt động để khử khuẩn, dọn vệ sinh, sắp xếp lại chợ phục vụ cho hoạt động trong thời gian đến. Hàng hóa được bán tại các chợ dồi dào, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động, bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa.

Tại tỉnh Thanh Hóa, chính quyền tỉnh đã cho phép một số hoạt động được hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới từ 0 giờ ngày 25/9/2021 như các cơ sở giáo dục, đào tạo, trung tâm ngoại ngữ, tin học, các khu du lịch, điểm du lịch, di tích, danh thắng, văn hóa lịch sử; hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh; các khách sạn và dịch vụ lưu trú; dịch vụ khách sạn, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đồ uống, quán bia, giải khát, bể bơi, phòng tập gym, bi-a, yoga; dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng tay/móng chân, cơ sở thẩm mỹ/spa; hoạt động thể thao ngoài trời; các hoạt động tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng... và phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 27/9, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.

Theo XTTM Việt Nam

603 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
22866879
Lượt truy cập