Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Triển vọng xuất khẩu quả vải Việt Nam 

Theo số liệu thống kê được công bố tại Hội nghị quốc tế về nhãn, vải lần thứ 6, do Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hội Nghề vườn quốc tế (ISHS) tổ chức thì Việt Nam hiện có khoảng 160.000 ha nhãn, vải, chôm chôm thuộc họ cây bồ hòn, cho sản phẩm xuất khẩu đem về hơn 320 triệu USD năm 2018, đứng thứ hai thế giới về thị phần vải xuất khẩu.
Triển vọng xuất khẩu quả vải Việt Nam

        Trong các loại trái cây, vải là loại quả được ưa chuộng nhiều nhất, nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Trung Quốc đứng đầu với sản lượng hơn 2 triệu tấn/năm, thứ hai là Ấn Độ với 677 nghìn tấn/năm, Việt Nam đứng thứ ba với sản lượng 380 nghìn tấn/năm, tiếp theo là Thái Lan với 48 nghìn tấn/năm và Bangladesh với khoảng 12 nghìn tấn/năm. Tại Trung Quốc, vải được trồng tập trung tại khu vực phía nam của nước này như Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam.

Hiện nay, quốc gia xuất khẩu vải lớn nhất thế giới là Madagascar, chiếm tới 35% thị phần vải xuất khẩu thế giới. Tiếp theo là Việt Nam, chiếm 19% thị phần thương mại trái vải toàn cầu; Trung Quốc chiếm 18%, Thái Lan chiếm 10% và Nam Phi chiếm 9%.

Theo đánh giá của người tiêu dùng và các doanh nghiệp thương mại vải trên thế giới, hiện chất lượng quả vải của Việt Nam được đánh giá là tốt nhất thế giới, ngon hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại từ Ấn Độ, Trung Quốc....

Có thể nói, nhãn, vải và một số loại quả thuộc họ bồ hòn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nhiều quốc gia. Với nhu cầu các loại hoa quả tươi và chế biến đang ngày một tăng cao trên thị trường quốc tế, đây chính là triển vọng lớn cho sản xuất quả vải, nhãn và một số loài cây thuộc họ bồ hòn nói chung tại Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của vải, nhãn và chôm chôm của Việt Nam đạt 324,4 triệu USD, chiếm 10,4% của tổng kim ngạch xuất khẩu các loại trái cây.

Vải Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trong thị trường xuất khẩu trái cây quốc tế, đặc biệt Bắc Giang có thương hiệu "Vải thiều Lục Ngạn" đã xuất khẩu và có mặt tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Australia, các nước Đông Nam Á; đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia là Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.

Những năm qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được đưa vào áp dụng trong sản xuất các loại quả đặc sản này của Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm nhãn, vải chế biến chỉ chiếm 10% tổng sản lượng sản phẩm, tiêu thụ chủ yếu vẫn là sản phẩm tươi.

Sản phẩm tươi sẽ luôn phải chịu yêu cầu khắt khe về chất lượng truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch của các thị trường nhập khẩu. Điển hình thị trường Trung Quốc ngày càng thắt chặt trong việc kiểm dịch, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc. Do đó, Việt Nam phải luôn cập nhật cũng như nghiêm túc thực hiện các yêu cầu đó để sản phẩm có thể vào được các thị trường. Sản phẩm chế biến không phải kiểm dịch nhưng đòi hỏi phải có các doanh nghiệp đầu tư để có thể chế biến được sản phẩm sâu cũng như việc tiếp thị sản phẩm để thị trường quen với sản phẩm từ nhãn vải. Việt Nam cần làm tốt hơn nữa chất lượng của sản phẩm chế biến cũng như quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng để họ từng bước quen với sản phẩm chế biến từ nhãn, vải.

 
Theo thông tin của Viện nghiên cứu rau quả Việt nam tổng hợp
23443 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21867948
Lượt truy cập