Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Vải thiều Bắc Giang vươn ra thế giới 

Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội; những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển khá toàn diện và năng động, luôn là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP; năm 2022, tỉnh có tốc độ tăng trưởng đạt 13,2% (đứng đầu cả nước)
Vải thiều Bắc Giang vươn ra thế giới

Đặc biệt, Bắc Giang được biết đến là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp; với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp; khí hậu bốn mùa đặc trưng, ít chịu tác động bởi thiên tai, thuận lợi cho sinh trưởng các loại cây trồng, vật nuôi. Tỉnh hiện có gần 300 nghìn ha đất nông nghiệp; với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng và có nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng như:

- Tỉnh có tổng đàn vật nuôi luôn nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước, với 2 loại vật nuôi chủ lực: tổng đàn lợn trên 950 nghìn con, đàn gà trên 17 triệu con.

- Chè “Bản Ven” và sản phẩm chế biến từ gạo (Mỳ gạo Chũ) với sản lượng hàng chục nghìn tấn, đảm bảo chất lượng, an toàn; đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới ( EU, Nga, Trung Quốc, một số quốc gia trong khu vực ASEAN);

- Cây có múi (cam, bưởi) với diện tích gần 10 nghìn ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 80 nghìn tấn quả, đảm bảo chất lượng cao, an toàn phục vụ tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước;

- Đất lâm nghiệp gần 170 nghìn ha; sản lượng đạt trên 600 nghìn m3 và sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến gỗ trên địa bàn và xuất khẩu.

Cùng với đó, Bắc Giang có 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, 155 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (đứng thứ đứng thứ 7 cả nước). Hiện nay, Tỉnh Bắc Giang chỉ đạo quản lý chặt chẽ vùng trồng, vùng chăn nuôi theo quy hoạch và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm; đã được tiêu thụ trong các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên toàn quốc và xuất khẩu tại một số thị trường trên thế giới.

Vải thiều Bắc Giang hiện đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, đang được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại 08 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia); được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ....; và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc và ưa thích tin dùng.

Năm 2022, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu; ngay từ đầu vụ, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều; tập trung chú trọng nâng cao chất lượng; mở rộng diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap. Hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân kỹ thuật canh tác, chăm bón vải thiều; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo: không sử dụng chất cấm, giữ khoảng cách thời gian cách ly...; tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến các đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Các ngành, địa phương trong tỉnh thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh tại các vùng sản xuất vải thiều, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc, EU... Hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc nông dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, đảm bảo có đủ sản lượng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, Bắc Giang đã xây dựng mô hình phun thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh, qui mô diện tích 200 ha bằng công nghệ máy bay không người lái tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên; sản xuất sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20ha. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ sẽ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử; vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội:  không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn…

Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát, dự báo Vải thiều Bắc Giang với hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội: Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” tiếp tục là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng, chinh phục người tiêu dùng tại thị trường khó tính trên thế giới. Sản lượng vải toàn tỉnh năm 2022 dự kiến trên 160.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng trên 50.000 tấn; vải chính vụ 110.000 tấn). Trong đó: vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU với 18 mã số vùng trồng (được Mỹ cấp mã số IRADS), diện tích là 218 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.

Hàng Năm thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 15/5; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7

Về thị trường tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường (trong và ngoài nước), thị trường nào cũng có vai trò quan trọng.

- Đối với thị trường nội địa: Xác định là thị trường trọng tâm mà tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tiêu thụ ; Tỉnh đã sớm trao đổi, kết nối với các Tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản trong nước; Hiện nay đã có các đối tác, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, vải thiều đến khảo sát, tìm hiểu, trao đổi, đăng ký thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh.

- Đối với thị trường xuất khẩu: Tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua: Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,  Malaysia, Thái Lan...; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng vải thiều trên các Sàn thương điện tử: Amazon.com, Alibaba.com, Sendo.vn, Postmart.vn, Voso.vn...; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, zalo…;

- Đối với thị trường Mỹ: Tỉnh Bắc Giang xác định là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn; tuy nhiên đây lại là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Hiện nay, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang gặp phải một số khó khăn:

(1) Vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không chi phí cao; những năm trước đây chưa có đường bay thẳng từ Hà Nội đến Hoa Kỳ; số lượng hàng vận chuyển không được nhiều; vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian 

(2) Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chưa có Trung tâm chiếu xạ được phía bạn Hoa Kỳ chấp thuận (vải thiều phải đưa vào TP. HCM đóng gói, chiếu xạ và xuất khẩu sang Hoa Kỳ, phát sinh nhiều chi phí về vận chuyển và chiếu xạ - Song, tại Hội nghị hôm nay, có sự kết nối giữa các bên sẽ tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho công tác này)

(3) Việc tiếp cận thông tin giữa doanh nghiệp xuất vải thiều và các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang về thị trường Hoa Kỳ còn hạn chế, nhất là việc tiếp cận nhu cầu, tiêu chuẩn của nước bạn và thông tin về các doanh nghiệp, đối tác tiềm năng Hoa Kỳ (Hội nghị hôm nay nhằm đáp ứng tốt nhất nội dung này)

Trong thời gian tới, có thể khẳng định, việc thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Mỹ còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh và phát triển.

395 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21857262
Lượt truy cập