Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Vải thiều năm 2018: Tín hiệu được mùa 

Thời tiết thuận lợi nên năm nay, tỷ lệ vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ra hoa đạt khá cao. Hiện các nhà vườn tập trung chăm sóc để đón mùa quả bội thu.
Vải thiều năm 2018: Tín hiệu được mùa

Tỷ lệ ra hoa tăng gấp đôi

Những ngày cuối tháng Hai, chúng tôi có dịp đến thăm một số vườn vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Khác với năm ngoái, năm nay cây nào cũng ra hoa đều khắp tán, chuẩn bị nở. Tại xã Hồng Giang, đứng trên nhà cao tầng nhìn ra xung quanh, các cành hoa đâm lên tua tủa, trải dài trên những triền đồi tạo nên một màu vàng trắng ngút tầm mắt. Trong vườn vải rộng gần một mẫu của gia đình chị Thân Thị Mỳ, thôn Kép 2B, các cây được tỉa gọn, tạo tán hình mâm xôi. Chị Mỳ phấn khởi, vụ trước cả vườn thu được vài tạ quả do cây chỉ phát lộc mà không hoa. Năm nay hoa sai, vì thế chị Mỳ thường xuyên thăm vườn để có biện pháp chăm sóc phù hợp.

 

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Quyên, thôn Hiệp Tân cũng có vườn vải ra hoa đạt gần 100%. Đây là một trong những hộ có kỹ thuật cao về chăm sóc vải bởi chưa bao giờ nhà anh bị mất mùa, giá bán quả luôn cao hơn so với thị trường. Điển hình, năm ngoái gia đình anh được mùa riêng, lãi hơn 300 triệu đồng từ bán vải trong khi nhiều hộ mất trắng. Kiểm tra cây vải trồng cách đây 15 năm, anh Quyên nói: “Sau khi thu hoạch quả vụ trước, tôi tiến hành chăm sóc để cây hồi phục ngay. Đặc biệt, tôi liên hệ với một số chủ trang trại mua phân hữu cơ, sau đó ủ hoai mục để bón cho cây, hạn chế sử dụng phân hóa học. Như thế vải mới bền gốc và tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận. Nhờ đó các cành hoa đều dài, nụ mập mạp, dự báo lượng quả sẽ cao hơn mọi năm”.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin, không chỉ những xã vùng thấp mà các xã trên đèo của huyện Lục Ngạn như Tân Sơn, Hộ Đáp, Phong Minh, Phong Vân... vải cũng ra hoa đồng loạt. Tại huyện Lục Nam, khoảng 6 nghìn ha vải thiều đều ra hoa, tập trung tại các xã Đông Phú, Đông Hưng, Trường Sơn, Bình Sơn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), gần 30 nghìn ha vải thiều toàn tỉnh có tỷ lệ ra hoa đạt hơn 90%, cao gấp đôi so với năm trước. Đây là tín hiệu bước đầu cho thấy năm nay vải thiều được mùa. 

Tập trung chăm sóc, quản lý vật tư

Năm nay, thời tiết lạnh sâu, xuất hiện nhiều thời điểm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C do ảnh hưởng của hiện tượng Lanila. Yếu tố này lại phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây, tạo điều kiện thuận lợi cho phân hóa mầm hoa, cây trồng cũng tăng cường tích lũy dinh dưỡng để nuôi hoa, tạo quả. Do vậy tỷ lệ ra hoa tăng cao. Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: “Giáp Tết trời ấm, nắng lên chúng tôi dự báo vải thiều sẽ nở sớm hơn so với trung bình hằng năm khoảng 15 - 20 ngày. Tuy nhiên sau đó lại có một số đợt lạnh nên vải nở hoa như bình thường vào trung tuần tháng Ba. Như vậy có nghĩa là thời điểm này sẽ tránh được đợt rét đậm, rét hại, giúp hoa phát triển tốt”. 

Được biết năm nay, toàn tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng khoảng 13 nghìn ha vải thiều VietGAP, hơn 200 ha vải được cấp mã vùng theo tiêu chuẩn GlobalGAP tập trung tại huyện Lục Ngạn. Thời tiết mưa phùn, ấm như hiện nay tuy giúp cây trồng đủ ẩm, không bị hạn song cũng là điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Qua điều tra dịch hại trên cây trồng cho thấy, hiện bệnh sương mai, thán thư và sâu đo, bọ xít, rệp muội... đã xuất hiện hại vải, dự báo phát sinh mạnh trong thời gian tới. Để bảo vệ cây trồng, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân bón phân cân đối, chủ động theo dõi phòng trừ sớm sâu bệnh. 

Thực hiện hướng dẫn trên, nông dân trong tỉnh đang tập trung chăm sóc. Tại xã Phúc Hòa (Tân Yên), nơi có diện tích vải sớm lớn nhất huyện cho thấy nhiều bà con sử dụng thuốc trừ sâu sinh học cho vải. Biện pháp này không những diệt trừ hiệu quả đối tượng gây hại mà còn bảo vệ sức khỏe người làm vườn. Ông Nguyễn Văn Hưởng, thôn Lân Thịnh chia sẻ: “Hơn 5 năm qua tôi đều sử dụng sản phẩm sinh học cho vải trong suốt quá trình chăm sóc. Chi phí đầu vào có tốn hơn so với thuốc hóa học nhưng lại cho quả chất lượng, nhất là vải không bị sâu đục cuống quả, giá bán cao hơn các hộ cùng thôn. 

Riêng năm 2017, giá vải bình quân nhà tôi đạt 30 nghìn đồng/kg”. Ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn), nhà vườn tích cực tỉa cành tăm, hương và cành bị sâu bệnh; sử dụng phân bón qua lá giàu lân để hoa phát triển tốt. Theo anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Trại Ba, sau khi cải tạo vườn, vụ này gia đình anh còn gần một ha vải. Có kinh nghiệm nhiều năm chăm vải, anh nắm rõ kỹ thuật ở từng thời kỳ. Vì thế ở giai đoạn này, anh hạn chế tác động vào bộ rễ; tích cực dọn thực bì, vệ sinh vườn sạch sẽ để sâu bệnh từ vụ trước không lây lan sang vụ vải năm nay; bón phân qua lá giàu kali đối với cây vải ra hoa kèm theo lộc qua đó ức chế lộc non sinh trưởng.

Đồng hành cùng các nhà vườn, đơn vị chuyên môn của huyện Lục Ngạn đã tổ chức một số lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất vải VietGAP, GlobaGAP cho các nhà vườn. Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là ở Lục Ngạn bởi những năm trước lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng tại đây. Thêm nữa, khu vực này có diện tích vải thiều lớn nhất tỉnh, nhu cầu phân bón, thuốc BVTV cao. Theo đó lượng vật tư cung ứng lớn. Ông Vũ Đắc Biên, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Khi nông dân sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục sẽ tạo ra sản phẩm không an toàn, nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhằm ngăn chặn kịp thời vi phạm, chúng tôi cử cán bộ bám sát cơ sở, nắm bắt chung tình hình để kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc trừ sâu, bệnh”./.

(Theo http://baobacgiang.com.vn)

726 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
22868940
Lượt truy cập