Theo Bộ Công Thương, kể từ ngày 01/4/2018, các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.
Thông tin bao gồm: Tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. DN có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Bộ Công Thương lưu ý các DN xuất khẩu hoa quả của Việt Nam cần chủ động phối hợp với DN nhập khẩu của Trung Quốc trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu tại cửa khẩu của Trung Quốc.
Nói rõ hơn về vấn đề này, trả lời Báo Lao Động, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo quy định của tỉnh Quảng Tây, hoa quả Việt Nam xuẩt khẩu sang Trung Quốc phải gửi cho phía kiểm dịch Trung Quốc địa chỉ vùng trồng, nhà máy đóng gói, mã hàng hóa. Nghĩa là trong hồ sơ xin phép kiểm dịch xuất khẩu hoa quả sang Quảng Tây phải có bản chụp đầy đủ thông tin về bao bì (hoa quả này là loại gì, trồng ở đâu, đóng gói ở địa chỉ nào, ký hiệu mã hàng hóa…) để họ có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc khi cần hoặc khi phát hiện ra vấn đề mất an toàn thực phẩm hoặc phát hiện có đối tượng kiểm dịch. Điều này đồng nghĩa với việc trái cây không rõ nguồn gốc sẽ bị loại bỏ.
Thông tin này đã tác động không nhỏ tới người trồng vải Bắc Giang.
Nhiều năm nay, Bắc Giang là vùng trồng vải và xuất khẩu quả vải tươi lớn nhất cả nước (năm 2017 sản lượng ước đạt 100.000 tấn, xuất khẩu khoảng 50.000 tấn). Lượng quả vải xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 50%, trong đó việc thông quan qua cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây chiếm phần lớn, Báo Bắc Giang cho hay.
Dự kiến, vụ vải năm nay cho thu hoạch vào tháng 6 tới nên khoảng thời gian thực hiện yêu cầu của tỉnh Quảng Tây đến thời điểm vải chín không còn dài. Chính vì vậy, đáp ứng yêu cầu mới của phía nhập khẩu, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang lưu ý doanh nghiệp thu mua khẩn trương triển khai ngay các giải pháp, kịp thời đáp ứng điều kiện xuất khẩu vải thiều.
Với người trồng vải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn nhà vườn duy trì nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo GlobalGAP, VietGAP (khoảng 13.000 ha).
Còn ở Lục Ngạn (thủ phủ vải thiều), năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi và người dân chú trọng chăm sóc, sản lượng vải thiều của huyện ước đạt 90.000 tấn, cao hơn năm 2017. Để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, huyện Lục Ngạn giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan khuyến nông tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được những yêu cầu mới khi đưa vải thiều sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, huyện trích kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 50% tem xác nhận nguồn gốc cho toàn bộ các hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã có trách nhiệm quản lý chặt chẽ sản phẩm được hỗ trợ, giám sát việc gắn tem lẫn nhau.
UBND huyện Lục Ngạn cũng sẽ tổ chức buổi làm việc để thống nhất hình thức tem nhãn cũng như quy cách bao gói sản phẩm trong toàn huyện.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, hiện nay về cơ bản các hộ trồng vải vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chưa liên kết chặt chẽ. Vì vậy, quy định của tỉnh Quảng Tây là thách thức trước mắt song về lâu dài sẽ góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân đối với vải thiều./.
(Theo http://baochinhphu.vn)