Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Xuất khẩu rau quả có thể sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2017 

Năm 2017, xuất khẩu rau quả, đặc biệt là mặt hàng trái cây nhiều khả năng tiếp tục bứt phá ngoạn mục khi cánh cửa các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu ngày càng rộng mở.
Xuất khẩu rau quả có thể sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2017

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả đạt 2,4 tỷ USD, lần đầu tiên đã vượt qua lúa gạo để trở thành một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2017, xuất khẩu rau quả, đặc biệt là mặt hàng trái cây nhiều khả năng tiếp tục bứt phá ngoạn mục khi cánh cửa các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ngày càng rộng mở. 

* Khơi thông các thị trường khó 

Có thể nói, 10 năm lại đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2005, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang 36 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt 235 triệu USD, thì đến năm 2015, đã tăng hơn 7 lần, đạt 1,8 tỷ USD. Đến năm 2016, ngành rau quả Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật cho 5 mặt hàng sang 4 thị trường gồm: xoài (Australia), thanh long (Đài Loan-Trung Quốc), nhãn và vải (Thái Lan), hạt điều (Peru). Như vậy, rau quả Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu lên trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng trái cây chiếm 40%. 

Bên cạnh những thị trường truyền thống, hiện Việt Nam đang tăng cường mở cửa các thị trường mới, mặc dù khó tính nhưng kỳ vọng giá trị xuất khẩu cao, cụ thể: Australia hiện đã cho phép nhập khẩu vải thiều, nhãn; New Zealand đã mở cửa cho mặt hàng xoài và thanh long; Ấn Độ cho mặt hàng thanh long, vú sữa và Chilê cho mặt hàng thanh long… Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực để mở thêm nhiều thị trường cho nhiều loại trái cây ngon của Việt Nam như chôm chôm, vú sữa vào Mỹ; vải và xoài vào Australia; xoài vào Nhật… Trong năm 2016, xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, ước xuất siêu với 1,5 tỷ USD; trong đó có sự tăng trưởng đáng kể ở những thị trường khó tính như Mỹ (tăng 49%), Australia (39%), Hà Lan (38%), Hàn Quốc (26%), Đài Loan (14%)... 

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Bùi Sỹ Doanh, riêng năm 2016, các đơn vị trực thuộc Cục đã kiểm dịch các loại hoa quả tươi xuất khẩu đi các thị trường khó tính đạt trên 10.500 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015. Trong đó, thanh long xuất đi thị trường Mỹ tăng 2 lần, nhãn tăng 5,25 lần; xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 2 lần. Đài Loan đã chính thức mở cửa trở lại cho thanh long Việt Nam và đến nay đã xuất khẩu hơn 100 tấn. Thực tế, những con số này so với tổng lượng xuất khẩu rau quả trên toàn thế giới vẫn còn là khiêm tốn. Tuy nhiên, việc mở cửa được thêm nhiều thị trường và phát triển xuất khẩu sang các thị trường khó tính này năm sau cao hơn năm trước đã tạo ra sự ổn định về giá cả thu mua, tạo thương hiệu nhất định trên thị trường quốc tế, nâng tính cạnh tranh cho rau quả Việt Nam nói riêng và nông sản nói chung. 

* Nâng cao chuỗi giá trị mặt hàng rau quả 

Có những thời điểm ngành rau quả xuất khẩu của Việt Nam tưởng chừng như bất lực, ít ai nghĩ rằng từ chỗ chỉ xuất khẩu được vài chục, vài trăm triệu USD, đến nay đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Đặc biệt, năm 2016 mặt hàng rau quả xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua lúa gạo để trở thành một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng ngang bằng với cà phê (tăng 33,6% về khối lượng và tăng 25,6% về giá trị), vượt xa các ngành hàng chủ lực khác như: cao su (tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị), chè (tăng 7,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị), hạt điều (tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị). Trong tương lai xuất khẩu rau quả nước ta sẽ còn nhiều triển vọng, có thể đạt đến 10 tỷ USD/năm khi tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu rau quả hàng năm của thế giới rất lớn. 

Để đạt được triển vọng này, theo ông Nguyễn Hữu Đạt (thuộc Hiệp hội Rau quả Việt Nam), chúng ta cần phải giải quyết tốt hơn nữa bài toán về chất lượng các mặt hàng rau quả xuất khẩu để có những sản phẩm tốt hơn, chất lượng ổn định, đồng nhất và đặc biệt là an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. 

Để làm tốt khâu an toàn thực phẩm, giữ được sự tăng trưởng tốt và bền vững cho mặt hàng xuất khẩu rau quả, theo GS.TS Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, rau quả cần phải được sản xuất theo mô hình những hợp tác xã kiểu mới như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Không chỉ liên kết với nhau để sản xuất, các hợp tác xã rau quả còn phải liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để hình thành những chuỗi giá trị tiêu thụ rau quả trong nước và xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, để mở rộng xuất khẩu mặt hàng rau quả, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, cần tiếp tục đàm phán, mở rộng thêm các thị trường. Cục cũng chỉ đạo địa phương tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức lớp để nông dân thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn; phổ biến quy trình sản xuất VietGAP tới các hộ dân. 

Ngoài ra, xu hướng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện đang bùng nổ trên thế giới, do đó, sản xuất rau quả hữu cơ hướng tới xuất khẩu cũng cần phải được chú trọng ngay từ bây giờ. Có thể bắt đầu từ những loại trái cây ít sâu bệnh như chuối, thanh long, dứa… Đồng thời, chú trọng hỗ trợ kỹ thuật để phát triển những loại cây mà nông dân Việt Nam còn lạc hậu về kỹ thuật nhưng lại có tiềm năng lớn về thị trường như chanh dây, bơ… 

Song song đó, ngành rau quả cũng cần phải đầu tư sâu thêm vào khâu chế biến để đa dạng sản phẩm rau quả xuất khẩu, bởi hiện nay sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam còn khá đơn điệu, trong khi ở nhiều nước xuất khẩu rau quả, với mỗi loại trái cây, họ đã chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và xuất khẩu, như Chile có tới 5-6 sản phẩm từ trái xoài và rất nhiều sản phẩm từ trái thanh long… 

Việc rau quả Việt Nam ngày càng được chấp nhận tại nhiều thị trường thế giới chứng tỏ chất lượng sản phẩm đã ngày càng được gia tăng. Như vậy nhận thức của người dân trong việc tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… ngày càng cao. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ mở ra thời kỳ mới đầy triển vọng cho kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tiếp tục tăng trưởng./.

22902 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
22866143
Lượt truy cập