Thừa do… “mất chân”
Lý giải về nguyên nhân giá lợn hơi xuống thấp khiến người chăn nuôi lao đao, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, nguồn cung chủ yếu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Lượng tiêu thụ trong nước ổn định trong khi xuất khẩu đóng cửa dẫn đến “mất chân”, nguồn cung thừa, giá lợn xuống thấp. Mặc dù các bộ, ngành T.Ư đã quan tâm khơi thông đầu ra cho xuất khẩu nhưng tình trạng chưa cải thiện vì đàn lợn nuôi tại chỗ của các tỉnh ở Trung Quốc giáp ranh nước ta cũng nhiều, giá xuống thấp, thương nhân không còn mặn mà nhập thịt lợn của Việt Nam. Tình trạng này đã kéo dài khoảng 5 tháng và chưa biết đến bao giờ mới cải thiện.
Bắc Giang là vùng chăn nuôi trọng điểm của cả nước. Quy mô tổng đàn lợn thời điểm thống kê gần đây nhất (1-10-2016) khoảng 1,3 triệu con (không kể lợn sữa), tăng 5% so với năm trước. Mấy năm qua, lợn hơi liên tục được giá, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch tương đối thuận lợi nên không chỉ các trang trại, gia trại mà nhiều hộ dân cũng đầu tư mở rộng quy mô đàn, tái đàn nhanh. Có thời điểm, giá lợn hơi ở Trung Quốc lên tới 60-70 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi, các đầu mối thu gom trong nước xuất sang với giá 45- 55 nghìn đồng/kg vẫn có lãi lớn. Một thương nhân ở thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam) chuyên thu gom lợn hơi phân tích, hiện nay, giá lợn ở Trung Quốc chỉ còn khoảng 50 nghìn đồng/kg, tiểu thương nước này cũng chỉ mua của ta với giá khoảng 35 nghìn đồng/kg, thậm chí thấp hơn nhưng “kén” lợn ngon. "Trước Tết, mỗi ngày tôi mua 5-7 tấn giao cho khách, nay gom hơn 1 tấn vẫn khó bán”, thương nhân này cho biết. Do quy mô tổng đàn lợn của tỉnh cũng như cả nước tăng “nóng”, nguồn cung lớn trong khi thị trường xuất khẩu chủ yếu lại “mất chân” đẩy người chăn nuôi vào cảnh lao đao. Bác sĩ thú y Nguyễn Trung Điện, Giám đốc HTX (HTX) dịch vụ nông nghiệp Lúa Vàng (Yên Dũng) chuyên nuôi lợn thịt, lợn giống, cho rằng, chi phí thức ăn chăn nuôi lợn chiếm khoảng 70-80% giá thành. Bán với giá hơn 35 nghìn đồng/kg lợn hơi mới có lãi, giá thấp hơn nếu càng nuôi càng lỗ!. Do đó người chăn nuôi phải tính toán kỹ, tiết kiệm tối đa chi phí thức ăn bằng cách tự phối trộn, giảm chi phí khác.
Nhân rộng cách nuôi lợn an toàn
Mục tiêu phát triển đàn lợn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bắc Giang đến năm 2020 là 1,4 triệu con. Thời điểm này, tổng đàn lợn của tỉnh chưa vượt ngưỡng nhưng theo ông Dương Thanh Tùng, sản lượng lợn thịt tăng nhanh, khoảng 7%/năm vì nhiều hộ nuôi thâm canh, có thể 2-3 tháng đã được một lứa, thậm chí gối quanh năm. Không phải đến bây giờ, giá lợn mới xuống thấp mà năm 2015 cũng xảy ra tình trạng tương tự nhưng giảm ít hơn. Vì thế, chăn nuôi lợn không thể trông chờ vào “chân” xuất tiểu ngạch nhiều rủi ro. Dịp này là cơ hội để xem xét tái cơ cấu đàn lợn, xây dựng quy mô hợp lý theo vùng, chú trọng liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm bảo đảm an toàn, hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sản phẩm để chăn nuôi phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy thời gian dài, nhu cầu tái đàn lớn khiến chất lượng đàn lợn nái, đực giống của tỉnh ít được quan tâm cải tạo nâng chất lượng. Trong điều kiện hiện nay, cơ quan chức năng, cơ sở cung ứng giống sẽ tập trung loại thải những con kém hiệu quả, chất lượng không bảo đảm để có nguồn con giống tốt cho chăn nuôi toàn tỉnh, giữ mục tiêu tăng quy mô ổn định theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Bắc Giang hiện có khoảng một nửa đàn lợn do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn lại là quy mô trang trại, gia trại, trong đó liên kết theo chuỗi chiếm chưa đầy 10%. Chăn nuôi manh mún theo kiểu “giá lên thì theo” dễ đẩy ngành này vào tình trạng hiện nay trong khi sản xuất theo hợp đồng vẫn ổn định.
Đơn cử, HTX Chăn nuôi Trường Thành (Hiệp Hòa) nuôi lợn sạch, có quy trình giết mổ an toàn, hằng tháng cung cấp cho các siêu thị ở Hà Nội 15-20 tấn thịt. Hiện, dù nhu cầu sản lượng thịt của đối tác giảm nhưng đơn vị đã ký hợp đồng ổn định và cung cấp với giá thấp nhất là 100 nghìn đồng/kg thịt lợn (tương đương khoảng 80 nghìn đồng/kg lợn hơi) nên ít bị ảnh hưởng. Theo ông Tô Hiến Thành, Giám đốc HTX, nếu có hợp đồng sản xuất theo chuỗi, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm được công bố chất lượng sẽ không bị thiệt hại do giá bấp bênh, ít lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Đơn vị chỉ tập trung vào kỹ thuật chăn nuôi, hạ giá thành, mở rộng thị trường để có nguồn thu nhập cao hơn. Đây cũng là cách Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới.
Trong chăn nuôi lợn, chi phí thức ăn rất lớn nên các trang trại, hộ chăn nuôi có điều kiện cần chủ động nguồn nguyên liệu, tận dụng sản phẩm phụ nông nghiệp, phối trộn thức ăn bảo đảm chất lượng, giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm. HTX dịch vụ nông nghiệp Lúa Vàng sản xuất và cung ứng khoảng 4 nghìn con lợn, bò giống/năm; sản xuất, giết mổ 5-10 con lợn thịt/ngày cung cấp cho các siêu thị ở Hà Nội. Đơn vị tự mua nguyên liệu, sản xuất khoảng 70% lượng thức ăn chăn nuôi với giá rẻ hơn thị trường 1 nghìn đồng/kg. “Chỉ khi nào nuôi lợn kinh doanh theo hợp đồng với quy trình chất lượng bảo đảm, có con giống tốt, chủ động về nguồn thức ăn và có nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến thịt lợn chứ không phải chỉ bán lợn “tươi” như hiện nay thì chăn nuôi mới bền vững”, doanh nhân Nguyễn Trung Điện đề xuất.