Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

THỊ TRƯỜNG AUSTRALIA 

Australia là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới trong vấn đề an ninh lương thực
THỊ TRƯỜNG AUSTRALIA

1. Xu hướng tiêu dùng

Australia là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới trong vấn đề an ninh lương thực, có thể tự cung cấp các mặt hàng thực phẩm chính cho tiêu dùng trong nước như: thịt, sữa và ngũ cốc. Hoạt động sản xuất trong nước cung cấp cho 90% nhu cầu tiêu dùng nội địa, 10% còn lại được cung cấp bởi thực phẩm nhập khẩu.

Mặc dù Australia là một nhà sản xuất chính nông sản thô cũng như thực phẩm chế biến trên thế giới, nhập khẩu thực phẩm vẫn chiếm một tỉ trọng đáng kể và đang ngày càng gia tăng do một số lí do như: xã hội đa sắc tộc, nhiều người mong muốn được sử dụng các sản phẩm đặc trưng của quốc gia gốc của họ; sự gia tăng của các sản phẩm thực phẩm có chất lượng với giá cả hợp lý từ các quốc gia đang phát triển; thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, người tiêu dùng ngày càng mong muốn được trải nghiệm những hương vị mới, món ăn mới lạ và sự mạnh lên của đồng AUD.

Hiện tại, Australia xuất khẩu khoảng 70% lượng thực phẩm sản xuất trong nước. Australia xuất khẩu thực phẩm nhiều nhất sang các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Indonesia, chủ yếu là các mặt hàng: ngũ cốc chưa chế biến, lúa mạch, thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa.

Người tiêu dùng Australia đặt ra tiêu chuẩn chất lượng rất cao đối với thực phẩm. Những tiêu chuẩn này được hỗ trợ bởi một loạt các qui định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang. Khá nhiều đơn vị bán lẻ ở Australia kinh doanh theo chính sách hoàn trả lại tiền hoặc đổi hàng nếu hàng hóa có vấn đề về chất lượng hoặc thậm chí chỉ đơn giản do người mua thay đổi ý định mua hàng.

Theo dự báo của Future Directions International, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng thực phẩm tại Australia đến năm 2050 sẽ bị chi phối bởi các nhân tố sau đây:

Thay đổi về nhân khẩu học và chế độ ăn uống

Sự già hóa dân số tại Australia được dự báo với tỉ lệ dân số trên 85 tuổi sẽ tăng từ 1,8% lên 4-5,5% năm 2056. Điều này làm tăng áp lực lên nguồn thực phẩm và dinh dưỡng dành cho người cao tuổi. Trong khi đó, nhóm người trẻ tuổi lại trải qua sự thay đổi về tiếp cận thực phẩm với nhiều sự lựa chọn thức ăn nhanh và các thực phẩm chế biến sẵn trong các siêu thị.

Ngày càng có nhiều người Australia được sinh ra hay có gốc châu Á và từ các nơi khác trên thế giới. Người Australia gốc hiện còn chiếm khoảng 27% tổng dân số. Sự đa chủng tộc làm đa dạng hóa nhu cầu về thực phẩm bao gồm cả những thực phẩm nhập khẩu, rau quả trái cây đã chế biến hay các sản phẩm có chứng nhận Halal.

Tăng cường ý thức về sức khỏe

Các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với các bệnh như béo phì, tiểu đường hay tim mạch dẫn đến sự thay đổi trong cách người dân Australia lựa chọn thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Xu hướng người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng. Phân khúc khách hàng thu nhập thấp không có điều kiện sử dụng sản phẩm hữu cơ cũng có xu hướng chọn những sản phẩm tự nhiên nhiều hơn như hạn chế các chất phụ gia, đường, gluten và các sản phẩm biến đổi gen. Các loại thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe ngày càng trở nên phổ biến như các loại vitamin, khoang chất hay các siêu thực phẩm (superfood).

Người tiêu dùng yêu thích sự tiện lợi

Việc giảm quy mô hộ gia đình tại Australia cùng với quỹ thời gian hạn hẹp tạo đà phát triển cho các sản phẩm thực phẩm, đồ ăn nhanh lành mạnh và tốt cho sức khỏe, tiện lợi có thể ăn trong lúc di chuyển. Dân thành thị chiếm 89% tổng dân số Australia và còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Đối tương khách hàng này coi những siêu thị trong khu vực như “những chiếc tủ lạnh di động”, họ thực hiện các hoạt động mua sắm thường xuyên từ 3 đến 4 lần một tuần hoặc thậm chí nhiều hơn. Cùng với đó các phần ăn dành cho từ 1 đến 2 người, các phần ăn chia nhỏ hay các thực phẩm được chuẩn bị sẵn sàng cho việc chế biến cũng tăng trưởng nhanh chóng.

Sự phát triển của phân khúc thực phẩm cao cấp và các sản phẩm ngoại nhập

Sự am hiểu về ẩm thực của người dân Australia ngày càng tăng một phần do sự phủ sóng của các chương trình nấu ăn được yêu thích trên truyền hình như Master Cheft hay My Kitchen Rules. Người dân được khuyến khích thử nghiệm các món ăn mới ngoài những món ăn truyền thống và ngày càng trở nên quen thuộc hơn với các loại thực phẩm ngoại nhập.

2. Tình hình tiêu thụ

Theo một nghiên cứu của Ipsos, Food CHATs (Consumption, Habits, Attitudes and Trends – Nghiên cứu toàn diện về tiêu dùng, thói quen, thái độ và xu hướng đối với mặt hàng thực phẩm) đưa ra 5 ưu tiên hàng đầu về thực phẩm của người dân Australia là: ăn nhiều rau quả tươi hơn (40%), khẩu phần ăn nhỏ hơn (31%), giảm lượng đường trong thức ăn (24%), ăn các đồ ăn nhanh lành mạnh hơn (23%), giảm lượng chất béo (23%).

Béo phì là căn bệnh đang đè nặng trong tấm trí người bản địa nhưng họ cũng cho rằng ăn uống khoa học sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí hơn. Hương vị và giá cả là những yếu tố hàng đầu khi đưa ra quyết định mua hàng thực phẩm chiếm tỉ lệ lần lượt là 72% và 63%, tiếp theo là các ưu đãi giảm giá.

Các vấn đề về sức khỏe là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Australia và vấn đề về nguồn gốc và an toàn thực phẩm được quan tâm hơn bao giờ hết.

Cứ 2 người Australia được phỏng vấn thì 1 người cho rằng có quá nhiều lượng đường trong các thức ăn đóng gói sẵn, tuy nhiên chỉ 1 trong 4 người cho rằng họ sẽ cố gắng để giảm lượng đường mà họ đang tiêu thụ. Các loại snack rất phổ biến ở Australia với hai phần ba người dân Australia ăn snack giữa các bữa ăn, các loại snack tốt cho sức khỏe được ưu tiên hơn.

Về xu hướng trong tương lai, báo cáo cho thấy người dân Australia mong muốn ăn nhiều hơn các sản phẩm thay thế đường tự nhiên (65%), thịt bò không chứa Hormone tăng trưởng (55%), thịt gà hữu cơ (46%), thịt bò hữu cơ (40%), sữa có nguồn gốc từ thực vật (33%), đạm thực vật (31%); ăn ít hơn các chất ngọt nhân tạo (55%), đường từ đồ uống (49%), đường trong ngũ cốc ăn sáng (48%), phụ gia thực phẩm (41%), chất béo chuyển hóa (40%), chất béo từ thịt (35%) và chất béo từ các sản phẩm từ sữa (19%).

Mong muốn được trải nghiệm những hương vị mới lạ và những cảm hứng sáng tạo trong nấu ăn vẫn là xu hướng không thuyên giảm. Tuy nhiên, những trải nghiệm này được diễn ra phần lớn tại các nhà hàng hơn là trong gian bếp của gia đình. Cứ 3 người được hỏi thì có 1 người nói họ ăn ngoài và các nhà hàng hay quán cà phê là những địa điểm quen thuộc, tiếp theo là những chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh, các quán bar.

Ăn tối là bữa ăn chính trong ngày với các lựa chọn chủ yếu như thịt và rau hay salad, mì ống hoặc pizza, cá và rau.

Trung bình, người Australia tiêu thụ khảng 4,5 suất ngũ cốc/ngày. Tiêu thụ yến mạch tăng trung bình 12,6%/năm trong giai đoạn 2011-2018.

Tiêu thụ hải sản cũng tăng trưởng mạnh, mỗi người dân Australia tiêu dùng trung bình 16 kg hải sản một năm.

Các loại thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, đậu và các cây họ đậu được tiêu thụ ở mức 1,7 suất ăn/người/ngày. Tiêu thụ các sản phẩm thịt gà và thịt lợn tăng thị phần trong thị trường các sản phẩm thịt, gấp 2-3 lần chi tiêu cho các sản phẩm thịt bò và thịt cừu. Tiêu dùng sản phẩm thịt gà tăng cao do giá thấp và sự sẵn có của các cửa hàng thức ăn nhanh với thịt gà là một trong những nguyên liệu chính.

Mỗi người Australia tiêu thụ 111 kg thịt/năm, chiếm 40% chi phí cho thực phẩm của các hộ gia đình. Người Australia trung bình tiêu thụ 2,7 suất ăn rau và các loại đậu, con số này đối với người trưởng thành (trên 19 tuổi) là 3,0 suất và đối với trẻ em (từ 2 đến 18 tuổi) là 1,8 suất. Đối với các loại hoa quả, lượng tiêu thụ trung bình 1,5 suất ăn (bao gồm cả nước ép và các loại hoa quả sấy khô).

Đối với sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát, lượng tiêu thụ trung bình là 1,5 suất ăn. Nhu cầu đối với các sản phẩm từ sữa tại Australia tăng liên tục trong 5 năm vừa qua, đưa Australia vào nhóm các quốc gia tiêu thụ các sản phẩm từ sữa hàng đầu trên thế giới. Tiêu thụ sữa tăng lên một phần do sự phát triển của văn hóa cà phê ở các trung tâm đô thị. Tiêu thụ các sản phẩm pho mát duy trì tăng trưởng, với nhu cầu tăng đối với các sản phẩm pho mát chất lượng cao, hạn chế các sản phẩm pho mát chế biến.

Các địa điểm người dân Australia thường mua sắm thực phẩm ngoài siêu thị bao gồm: các cửa hàng rau quả địa phương (20%), các cửa hàng bán thịt trong khu vực (20%), các cửa hàng bánh mì (18%), chợ truyền thống (9%), các cửa hàng chuyên bán cá (7%).

3. Tình hình giá cả

Nhìn chung, người tiêu dùng Australia khá bảo thủ và rất hiểu biết về vấn đề "giá cả tương xứng với giá trị". Trong những năm qua, có một xu hướng đáng chú ý là đánh gía hàng tiêu dùng theo tiêu chí "giá cả tương xứng với giá trị" hơn là chỉ dựa trên tiêu chí giá cả. Ở một số phân đoạn thị trường, thị phần giá rẻ đang làm suy giảm độ người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm có chất lượng. Điều này không có nghĩa là người tiêu dùng Australia nào cũng sẵn sàng trả giá cao. Trên thực tế, phần lớn người tiêu dùng luôn so sánh giá cả của rất nhiều người bán lẻ khác nhau trước khi quyết định mua hàng.

THEO TRUNG TÂM TTCN & TM - BCT

 

2510 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21857563
Lượt truy cập