Quả vải đã phát triển đầy đủ và trưởng thành để chịu được vận chuyển và đảm bảo giữ được tình trạng tốt khi đến nơi.
Quả vải được xếp loại theo ba tiêu chuẩn về chất lượng: “Loại hảo hạng” là những sản phẩm với chất lượng tốt nhất. Vải thuộc loại này phải có hình dáng và màu sắc điển hình của giống hay chủng loại. Ngoài ra, quả vải phải không có khuyết tật, trừ những vết trầy sát rất nhẹ trên bề mặt và không ảnh hưởng đến hình thái chung của sản phẩm, đến chất lượng, đến việc duy trì chất lượng và cách trình bày trong bao bì sản phẩm. Vải loại I có chất lượng tốt và chỉ có những khuyết tật rất nhỏ (khuyết tật về hình dáng, màu sắc hay ở vỏ nhưng tổng diện tích không quá 0,25mm2). Vải loại II là loại vải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu để nhập khẩu vào thị trường EU nhưng không đủ điều kiện để chất lượng cao hơn như loại I hay loại hảo hạng. Tuy nhiên, thị trường cho sản phẩm vải loại II rất hạn chế. Vải loại II có thể có những khuyết tật ví dụ như ở vỏ nhưng tổng diện tích không quá 0,5mm2.
Về kích thước và màu sắc
Theo tiêu chuẩn của Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX) đối với vải quả, kích cỡ được xác định bởi đường kính lớn nhất của quả.
Kích thước tối thiểu cho vải loại “hảo hạng” là 33mm. Kích thước tối thiểu cho loại I và II là 20mm. Cho phép chênh lệch kích cỡ tối đa là 10mm giữa các quả trong mỗi gói.
Mức độ cho phép về kích thước: 10% số quả hoặc trọng lượng quả ở tất cả các loại không đạt kích thước tối thiểu miễn là đường kính không dưới 15mm ở tất cả các loại và/hoặc chênh lệch kích thước tối đa là 10mm. Số liệu về kích thước thường sử dụng đơn vị mm.
Màu sắc quả vải có thể khác nhau từ hồng đến đỏ trong trường hợp vải không xử lý; từ vàng nhạt đến hồng đối với loại vải đã khử trùng với SO2.
Về đóng gói
- Đóng gói dành cho bán buôn: Thường là đóng gói trong hộp với trọng lượng từ 2 đến 2,5kg. Có thể sử dụng các hộp có kích thước lớn hơn, đặc biệt khi sản phẩm được đóng gói lại tại châu Âu. Cần đảm bảo việc kiểm tra bao bì như mong muốn với khách hàng.
Vải trong mỗi bao gói phải đồng bộ và chỉ chứa những quả có cùng nguồn gốc, giống hay chủng loại, chất lượng, kích thước và màu sắc. Phần vải quả nhìn thấy phải đại diện cho toàn bộ quả vải bên trong bao bì.
Các hộp chứa phải đạt chất lượng, vệ sinh, thông gió và bền chắc để đảm cho quá trình bốc xếp, vận chuyển và bảo quản vải quả. Các bao gói (hoặc lô nếu sản phẩm xếp rời) phải hoàn toàn không có tạp chất và mùi lạ.
- Đóng gói dành cho bán lẻ: vải quả tươi được bán ngay khi vừa lấy ra khỏi hộp vải bán buôn hoặc trong khay nhựa với trọng lượng 300 hoặc 500gr.
Ghi nhãn hiệu
Việc ghi nhãn hiệu lên bao gói cho tiêu thụ phải phù hợp với những nguyên tắc và quy định được áp dụng tại EU và khu vực Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin hữu ích và chính xác, quy định số 1169/2011 của EU đưa ra những quy định, yêu cầu và trách nhiệm chung nhằm quản lý thông tin thực phẩm, cụ thể là việc ghi nhãn hiệu lên bao bì thực phẩm. Nhãn hiệu không được phép chứa mực hay hồ dính độc hại.
Mỗi bao bì (không dùng cho bán lẻ) phải có những nội dung dưới đây, bằng chữ in về cùng một phía, rõ ràng và khó tẩy xoá, và có thể nhìn thấy được từ bên ngoài:
- Xác nhận: tên và địa chỉ nhà xuất khẩu, đóng gói và/hoặc gửi hàng. Mã xác nhận (không bắt buộc);
- Bản chất của sản phẩm: Phải ghi tên sản phẩm nếu sản phẩm không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Tên giống hoặc tên thương phẩm (không bắt buộc), nếu ở dạng chùm phải có quy cách của chùm;
- Nguồn gốc sản phẩm: Phải ghi nước xuất xứ, không bắt buộc khi khu vực trồng, tên quốc gia, tên vùng hoặc tên địa phương;
- Xác nhận hàng hoá: Loại sản phẩm, kích thước (mã nếu có) và/hoặc khối lượng tịnh;
- Dấu giám định chính thức (không bắt buộc).
Ngoài ra, đối với việc đóng gói dành cho bán lẻ, nếu sản phẩm không thể nhìn thấy từ bên ngoài, mỗi bao bì phải có nhãn ghi tên sản phẩm và có thể ghi giống hoặc đại diện của giống. Các biểu tượng chứng nhận hay biểu tượng của nhà bán lẻ đều có thể được dán, nhãn hiệu nếu được yêu cầu, trong trường hợp sản phẩm có nhãn hiệu riêng.
Yêu cầu từ người mua hàng
Yêu cầu từ người mua hàng có thể chia thành 3 nhóm yêu cầu chính (1) những yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng nếu muốn nhập khẩu vào thị trường EU, ví dụ như những yêu cầu về mặt pháp lý; (2) những yêu cầu chung mà hầu hết các đối thủ cạnh tranh đã thực hiện, nói cách khác là những quy định phải tuân thủ để theo kịp với thị trường; và (3) những yêu cầu của thị trường ngách đối với từng phân khúc cụ thể.
- Những yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng:
Thuốc trừ sâu: EU đã quy định mức dư lượng tối đa (MRL) có trong và trên các loại thực phẩm. Các sản phẩm có chứa lượng thuốc trừ sâu cao hơn mức cho phép sẽ bị buộc rút ra khỏi thị trường EU. Một lưu ý là người tiêu dùng ở một số quốc gia thành viên quy định về MRL khắt khe hơn so với lượng MRL trong quy định của EU.
Tiêu chuẩn tiếp thị: Tất cả các loại trái cây và rau được nhập khẩu vào EU đều phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về chất lượng như đã được ghi trong Tiêu chuẩn Tiếp thị của EU.
Nhãn hiệu: Thực phẩm được bày bán tại EU phải đáp ứng những quy định về dán nhãn hiệu thực phẩm. Các thùng carton đựng rau quả tươi cần đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Tên và địa chỉ của người đóng gói và gửi hàng;
+ Tên sản phẩm (nếu sản phẩm không thể nhìn thấy từ bên ngoài bao bì);
+ Nước xuất xứ;
+ Loại và kích thước (liên quan đến các tiêu chuẩn tiếp thị).
Lưu ý đảm bảo tất cả các thông tin cần thiết đều được đề cập tới, nhưng đồng thời đề cập đến các thông tin hữu ích khác như biểu tượng của các nhà nhập khẩu hay giấy chứng nhận.
Sức khoẻ cây trồng: Hoa quả và rau xuất khẩu sang EU phải tuân thủ các quy định của EU đối với sức khoẻ cây trồng. EU đã đặt ra các yêu cầu về kiểm dịch thực vật để ngăn chặn việc lây lan của sinh vật gây hại cho cây trồng và sản phẩm thực vật trong EU. Theo đó, một số sinh vật đã được niêm yết không được phép nhập khẩu vào thị trường EU, trừ một số trường hợp cụ thể được phép áp dụng.
Thực vật hoặc sản phẩm thực vật được quy định tại Phần B, Phụ lục V của Chỉ thị 2000/29/EC phải kèm theo một giấy chứng nhận sức khoẻ cây trồng.
Chất gây ô nhiễm: Chất gây ô nhiễm là các chất không được đưa vào thực phẩm một cách có chủ ý, nhưng lại xuất hiện như kết quả của các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển hay bốc xếp. Để tránh tác động tiêu cực đến chất lượng thực phẩm và nguy cơ đối với sức khỏe con người, EU đã đặt ra giới hạn cho một số chất gây ô nhiễm.
Biện pháp kiểm soát biên giới: Các sản phẩm hoa quả nhập khẩu sẽ được áp dụng các biện pháp kiểm tra chính thức. Các biện pháp này nhằm đảm bảo tất cả các loại thực phẩm nhập khẩu vào thị trường EU đều an toàn, tức là phù hợp với các yêu cầu đã được quy định đối với các mặt hàng này. Có ba loại kiểm tra là: kiểm tra tài liệu, kiểm tra nhận dạng, kiểm tra vật lý.
Trong trường hợp có sự lặp lại thường xuyên việc không tuân thủ quy định của một số sản phẩm có xuất xứ từ một số quốc gia cụ thể, EU có thể quyết định nâng mức tiến hành kiểm tra lên cao hơn hay áp dụng các biện phấp khẩn cấp. Việc kiểm tra có thể được tiến hành ở tất cả các cấp độ từ nhập khẩu đến marketing tại thị trường EU. Tuy nhiên, hầu hết việc kiểm tra đều được hoàn thành tại các điểm nhập cảnh vào EU.
Một số lưu ý: Cần tự làm quen với các thủ tục. Việc không tuân thủ các thủ tục thích hợp có thể dẫn tới sự suy giảm hay chậm trễ của đơn hàng, gia tăng chi phí và cuối cùng có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt của các cơ quan thực thi pháp luật của EU.
+ Đảm bảo đầy đủ các tài liệu kèm theo tương ứng với các sản phẩm có trong lô hàng.
+ Kiểm tra nếu có bất kì sự gia tăng mức độ kiểm tra nào.
+ Tìm hiểu thêm về kiểm duyệt sức khoẻ thông qua Dịch vụ Hỗ trợ Xuất khẩu của EU.
+ Thuỵ Sĩ, Na-Uy, Ai-xơ-len và Liechtenstein không phải là thành viên của EU, nhưng vẫn là thành viên của Hiệp hội Mậu dịch Tự do Châu Âu EFTA.
Luật về thực phẩm của các nước này gần như không có gì khác so với luật của EU. Tuy nhiên, một số phần trong bộ luật có thể có sự khác biệt. Tại Thuỵ Sĩ, việc kiểm soát nhập khẩu thuộc về trách nhiệm của Cục Hải quan Thuỵ Sĩ và Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang.
Vải là loại trái cây đặc biệt đang dần được ưa chuộng tại châu Âu dù lượng tiêu thụ bình quân đầu người còn hạn chế. Để đẩy mạnh xuất khẩu vải nói riêng và hoa quả tươi nói chung sang thị trường châu Âu, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý và tuân thủ chặt chẽ các quy định của EU, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (chứng nhận của Global G.A.P, VietGAP, GFSI), không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Người tiêu dùng ngày càng chú ý hơn tới mặt hàng trái cây có nguồn gốc rõ ràng. Họ có xu hướng chọn trái cây dựa vào cách thức sản xuất và trình bày sản phẩm. Bên cạnh đó,vấn đề về môi trường và xã hội cũng rất quan trọng. Phương pháp để cung cấp trái cây được sản xuất một cách có trách nhiệm với môi trường và xã hội là tuân thủ theo những quy định về chứng nhận sản phẩm hữu cơ hoặc chứng nhận Fairtrade. Những chứng nhận này bao gồm việc cam kết giảm thiếu số lượng cũng như đăng kí loại thuốc trừ sâu sử dụng, cải thiện an toàn lao động và đảm bảo về giá cả.
Do vậy, để đưa mặt hàng vải vào thị trường EU, doanh nghiệp Việt nam cần lưu ý một số điểm sau:
+ Sản phẩm có đăng ký chứng chỉ Globalgap
+ Chất lượng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu và hóa chất
+ Cần đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch để vải tươi ngon, hình thức đẹp, không bị thâm; nhất là đối với vải thời gian thu hoạch trong năm thường diễn ra rất nhanh trong vòng vài ba tuần lễ.
(TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI)