Với gian hàng trưng bày bắt mắt, bao bì đóng gói phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Paris, trái vải thiều Việt Nam lần đầu tiên được đặt vào vị trí trung tâm của một gian hàng giữa chợ phiên cuối tuần tại Thủ đô Paris, điều này đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng.
Đại diện của Chính quyền quận 5 - nơi diễn ra sự kiện cho biết, đây là lần đâu tiên trái vải Việt Nam có mặt tại quảng trường Monge của quận quận 5. “Tôi vô cùng bất ngờ trước sự quan tâm của người tiêu dùng dành cho trái vải Việt Nam. Có thể nói, trái vải Việt Nam đã góp một phần không nhỏ cho sự kiện ngày hôm nay thêm náo nhiệt”, vị này cho biết.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị cho sự kiện này, nhưng ông chủ của hệ thống siêu thị Á Châu, đơn vị nhập khẩu vải thiều chính ngạch vào Pháp cho biết, ông vô cùng vui mừng nhưng có phần “tiếc” vì lô vải mà ông mang ra đã được bán hết trước khi sự kiện kết thúc.
“Đơn hàng vải thứ 2 của chúng tôi vừa được thông quan ngày 17/6, tuy nhiên, tôi đang thu xếp để tiếp tục đặt đơn hàng thứ 3 nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”, chủ của hệ thống siêu thị Á Châu chia sẻ thêm.
“Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021” hay những sự kiện tương tự, là cơ hội tốt để người tiêu dùng Pháp có thể khám phá nhiều hơn nữa nông sản Việt Nam. Thực tế cho thấy, không chỉ trái vải thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, một số đặc sản khác như nước mía, nước dừa tươi của Việt Nam cũng được đặc biệt quan tâm.
Theo Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đây là một hoạt động quảng bá trái vải và nông sản Việt Nam trong khuôn khổ kế hoạch mở rộng, tạo nhu cầu cho thị trường của Thương vụ và được Bộ Công Thương chỉ đạo, phê duyệt.
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Pháp cũng cho biết, đang triển khai với những đối tác khác nhằm đa dạng hóa nhà nhập khẩu, tạo cơ hội nhiều hơn nữa cho trái vải Việt Nam. Dự kiến, một số lượng lớn vải Việt Nam sẽ tiếp tục được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Pháp trong tuần tới.
Trước đó, ngày 12/6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại, người tiêu dùng tại Pháp không những có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, mà toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn 1 năm qua và đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Thời gian qua, tổng dung lượng thị trường châu Âu đối với trái vải nhập khẩu được ước tính vào khoảng 20.000 - 25.000 tấn mỗi năm. Madagascar là nhà cung cấp vải lớn nhất cho châu Âu, với nguồn cung các loại trái cây ngoại lai (chủ yếu là vải) là hơn 15.500 tấn, phần lớn dành cho thị trường Pháp.
Theo VOV